Bạo hành trẻ em – Lắng lòng lại để nhìn cho thấu

Ngày đăng : 03:29, 29/11/2017

(Kiemsat.vn) - Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, những thông tin về bạo hành trẻ em tràn ngập các mặt báo đã khiến dư luận xót xa, dậy sóng. Đáng tiếc thay khi bạo lực đổ lên đầu các em lại đến từ những người làm cha mẹ, người trực tiếp trông nom, chăm sóc các em.

Trường hợp bé Huỳnh Thị Ngọc Thảo (7 tuổi) là con của chị Huỳnh Thị Bích Vân (27 tuổi) và anh Nguyễn Văn Hòa (29 tuổi), cùng cư ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã gây phẫn nộ đối với người đọc. Theo báo tuoitre.vn, chiều 24/11, khi bé Thảo đến lớp học thì thầy cô ở trường phát hiện mặt và hai tay Thảo có nhiều vết bỏng. Trên đỉnh đầu bé Thảo cũng có vết thương lõm khiến vùng xương sọ tại đây mềm bất thường. Thảo nói với thầy cô các vết thương trên người là do cha ruột và mẹ kế gây ra trước đó. Riêng vết bỏng trên mặt và tay là do cha dùng thanh sắt nung đỏ dí vào.

Vết thương trên má, tay của bé Thảo do bị cha và mẹ kế bạo hành

Trước đó, tối 22/11/17, tài khoản Facebook N.P đăng clip gần 2 phút tố người giúp việc hành hạ con mình, nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng mạng. Theo nội dung đoạn clip, một người phụ nữ được cho là giúp việc dùng tay bóp miệng, tát mạnh vào mặt, đầu bé gái sơ sinh. Người này còn liên tục tung đứa trẻ lên cao, rồi dùng tay đỡ, mặc cho đứa trẻ khóc. Người mẹ nói con gái mới được 1 tháng 17 ngày tuổi, đang ốm khiến gia đình lo lắng nên phải thuê người giúp việc.

Dư luận chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó, tv.tuoitre.vn đăng tải clip phản ánh nhiều trẻ từ 3-5 tuổi tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12) bị chủ cơ sở và hai bảo mẫu bạo hành. Theo clip ghi lại được, sáng sớm, sau khi nhận trẻ, bà Linh (chủ cơ sở) đưa các bé vào nhà cho “ăn sáng” bằng những trận đòn khiến trẻ khóc gào. Có trường hợp trẻ bị đập liên tiếp chai nhớt vào đầu, có bé bị bảo mẫu ném vào tường đạp vào bụng, có trẻ bị bảo mẫu cầm dao dọa, đánh trẻ như đấu vật…

Người giúp việc hành hạ bé gái (Ảnh cắt từ clip)

Sáng ngày 29/11, Vnexpress đưa tin về vụ án tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Bé Lê Minh Anh 20 ngày tuổi là con của vợ chồng anh Lê Hữu Thuận (37 tuổi) và chị Lê Thị Thanh Huyền (38 tuổi) bị chính bà nội sát hại do nghe lời thầy bói phán “bé gái là nghiệp chướng của gia đình”. Bà nội đã dùng tay sát hại cháu, nhét xuống gầm giường, sau đó ra nằm ngoài ngõ, tự bịa vụ việc có đôi nam nữ vào nhà dí dao, bịt miệng uy hiếp để cướp cháu nội. Rạng sáng, bà lén cho thi thể vào bao tải và bỏ ra thùng rác cách nhà khoảng 300 m. Bao tải sau đó được xe gom rác của công ty môi trường chuyển đến bãi tập kết cách nhà khoảng 10 km. Gần một ngày sau, thi thể bé được một người làm nghề nhặt rác tình cờ phát hiện.

Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh nơi các cháu bị bạo hành đày đọa dã man

Tất cả những trường hợp trên chỉ là phần nổi được phát hiện và phanh phui, ở đâu đó quanh ta, các em vẫn đang là nạn nhân của nạn bạo hành, xâm hại. Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, thương binh và xã hội), vài năm gần đây, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng gần 5.000 trẻ em bị bạo lực. Nhiều chuyên gia cho rằng con số này trên thực tế phải cao hơn bởi nhiều nạn nhân chọn cách im lặng vì sợ, hoặc ngại tố cáo.

Câu hỏi được đặt ra là liệu pháp luật Việt Nam đã đủ sức răn đe những hành vi vi phạm này hay chưa? Có thể khẳng định rằng với một hệ thống các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành thì không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em.

Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào năm 1990; Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thông qua 1991; Luật Trẻ em thông qua 2016 và nhiều đạo luật khác như Bộ Luật Hình sự; Bộ Luật Dân sự; Bộ Luật Lao động; Luật Phòng chống bạo lực gia đình và hàng trăm văn bản dưới luật quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Ngày 28/11, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn gửi Ủy ban Quốc gia về trẻ em; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ Lao động – TB&XH; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Công an; TANDTC; VKSNDTC; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương. Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu:

– Ủy ban Quốc gia về trẻ em, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05-11-2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Luật Trẻ em năm 2016.

– Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

– Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ trong cả nước để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.

Phạm Hằng

(tổng hợp)

Các tin liên quan>>>

Bà nội sát hại bé gái 20 ngày tuổi, phi tang xác

Vụ người giúp việc bạo hành bé sơ sinh: Công an phối hợp với VKS điều tra

Cụ ông 77 tuổi dâm ô 2 bé gái bị tuyên phạt 3 năm tù