Nguy hiểm “trực chờ” từ miệng cống, hố ga mất nắp
Ngày đăng : 04:51, 03/10/2017
Từ hố ga mất nắp…
Hố ga nơi cháu Trường bị rơi xuống (Ảnh: Zing.vn)
Nạn nhân là cháu Nguyễn Tấn Trường, 11 tuổi ở Đồng Nai bị nước cuốn vào cống không có nắp đậy gần khu công nghiệp Thạnh phú – Thiện Tân đang thi công, vào ngày 27/9. Sau một ngày tìm kiếm, thi thể cháu được tìm thấy cách khu vực cống bị nước cuốn 10 km, như VOV đã đưa tin.
Trước đấy chỉ một tuần, theo thông tin từ Vnexpress, cháu Vũ Thảo Uyên 17 tuổi (Bình Phước) cũng bị cống nuốt trên đường đi học về. Thật đau lòng khi mà một ngày sau, thi thể cô bé xấu số được tìm thấy trong tình trạng đang phân hủy.
Chỉ trong một tuần lễ, mạng sống của 2 đứa trẻ bị cướp đi quá bất ngờ, để lại nỗi đau không gì bù đắp được cho bố mẹ các cháu. Điều đáng nói, sau khi sự việc xảy ra, không có một cá nhân, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi về cái chết của các cháu. Vẫn chỉ là những thủ tục thăm hỏi, động viên, hỗ trợ một ít kinh phí của chính quyền địa phương. Rồi lại họp rút kinh nghiệm, tiến hành rà soát, siết chặt quản lý hệ thống công trình giao thông trên địa bàn… Trước đó, đã có bao nhiêu tai nạn tương tự, nhưng tình trạng cống, hố ga cuốn trẻ em vào vẫn diễn ra.
Còn nhớ ngày 21/10/2016, Báo Thanh niên đưa thông tin về việc người đàn ông 40 tuổi đón xe buýt bỗng lọt xuống hố ga chết oan trên đường Kinh Dương Vương (TP. Hồ Chí Minh). Hố ga này do nhóm công nhân thi công không đậy nắp, rào chắn. Trước đó, ngày 04/10/2016, một người phụ nữ cũng bị nước cuốn xuống cống tại khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) nhưng may mắn được cứu sống.
Từ những vụ việc nêu trên, chúng ta thấy được phần nào nguyên nhân dẫn đến cái chết bất ngờ như vậy đều do miệng cống, hố ga không nắp đậy, rào chắn, cảnh báo nguy hiểm; công trình đang thi công không có hành lang, rào cảnh báo nguy hiểm, không tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn lao động. Nhưng khi sự việc xảy ra thì đùn đẩy trách nhiệm, cuối cùng, lỗi là do ông trời.
Cống mở miệng trên đường (Ảnh:Tuoitre)
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sẽ chẳng có người chết oan uổng nếu các đơn vị xây dựng công trình mương, cống, hố ga có ý thức đậy nắp lại, đặt cảnh báo nguy hiểm ở khu vực đang xây dựng để đảm bảo an toàn cho người khác.
Khi những tai nạn xảy ra trong quá trình công trình thi công chưa hoàn tất thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, đơn vị quản lý thi công công trình do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát; những sai phạm, thiếu sót không kịp thời phát hiện.
Nếu công trình đã được bàn giao cho chính quyền địa phương thì trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý hoạt động xây dựng, công trình thủy lợi của địa phương nơi xảy ra sự việc. Bài học rút ra bằng mạng sống của người dân là do sự tắc trách, lỏng lẻo trong công tác quản lý công trình mà không phát hiện ra sai phạm của chủ đầu tư, không thường xuyên giám sát, kiểm tra để kịp thời bảo trì, sửa chữa.
Đâu là giải pháp?
Khi tai nạn xảy ra, cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc, xác định rõ những sai phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn để xử lý nghiêm.
Đơn vị quản lý công trình xây dựng phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện hỏng hóc để kịp thời sửa chữa mương, cống. Trước mùa mưa lũ, chính quyền địa phương cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm, kiểm tra, rà soát các đoạn đường trên địa bàn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn khi phát hiện hố ga không có nắp.
Vào mùa mưa, mỗi người dân nên tự bảo vệ mình, nêu cao tinh thần cảnh giác với những khu vực có mương, cống nguy hiểm, hố ga tiềm ẩn nguy hiểm.
Đan Thanh
(tổng hợp)