Đánh ghen cho hả giận… rồi vướng vòng lao lý
Ngày đăng : 04:52, 07/09/2017
Các vụ đánh ghen ngày càng diễn ra nhiều với các mức độ và hành vi ngày càng nguy hiểm, không chỉ với mục đích làm cho đối phương “xấu hổ” và “mất mặt”, “làm nhục” trước đám đông mà còn tác động tới thân thể của nạn nhân như đánh đập, dùng hung khí: dao, kéo cắt, xát ớt, đặc biệt sử dụng axit hắt vào nạn nhân… gây ra những đau đớn về thể xác và tinh thần cho các nạn nhân bị đánh ghen.
Hành vi đó không chỉ làm nhục người thứ ba mà còn làm nhục cả người chồng và gia đình mình. Người chồng có thể cảm thấy rất khó để sống với người phụ nữ có hành vi đối xử với mình và người khác dã man như vậy, cơ hội để anh ta quay trở lại với cuộc hôn nhân là rất khó.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Chiều tối ngày 3/9 vừa qua, một clip đánh ghen được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Theo tìm hiểu, vụ đánh ghen kinh hoàng xảy ra cùng ngày tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nạn nhân trong clip là một cô gái trẻ, làm công nhân tại một khu công nghiệp. Được biết, cô gái này đang có quan hệ với một người đàn ông đã có vợ cũng sinh sống trên địa bàn, sau khi vụ việc vỡ lở thì bị người nhà người đàn ông đến để “dạy dỗ”.
Vụ đánh ghen có sự tham gia của 3 người phụ nữ (trong đó có một phụ nữ trung tuổi) và một nam thanh niên. Cả 4 người này đều ra sức đánh đập, lột quần áo, cắt tóc… của cô gái. Điều đáng chú ý là mặc cho cô gái này khóc lóc, kêu la, xung quanh có rất nhiều người dân chứng kiến nhưng không một ai can ngăn mà chỉ đứng nhìn.
Đừng để hết cơn giận… rồi vướng vòng lao lý
Ths. Luật sư Vũ Thị Thanh Nga – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng: Qua những thông tin phản ánh trên các trang mạng truyền thông có thể thấy việc bốn người tham gia đánh đập dã man, lột đồ một cô gái vì ghen tuông xảy ra tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo Luật sư Nga, thời gian qua đã có nhiều vụ đánh ghen làm ảnh hưởng, xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, hoặc gây thương tích cho người phụ nữ bị đánh ghen do sự bức xúc, thiếu kiềm chế và không hiểu biết pháp luật của những người trong cuộc. “Họ không nhận thức đầy đủ hành vi của mình khi đánh đập dã man, lột áo quần đối phương giữa chốn công cộng là hành vi vi phạm pháp luật. Xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác là đã có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác theo điều 121 BLHS. Chưa kể nhiều trường hợp những người tham gia đánh ghen đánh đập dã man, gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của người bị đánh ghen, cũng đã có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 104 BLHS hiện hành”, Luật sư Nga phân tích.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Tại sao không quay về nói chuyện với chồng mà phải “xử lý” người thứ ba?
Theo Nhà báo Phan Anh Tuấn (báo ĐS&PL) nhân vật mà người vợ nên nói chuyện phải trái với người chồng, người cha của những đứa con mình chứ không phải là một người khác. Việc ngoại tình phụ thuộc rất nhiều vào người đàn ông, nếu họ còn muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình thì họ sẽ thay đổi, tự động chấm dứt mối quan hệ với người thứ ba. Nếu người chồng không có ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình thì khi phải chấm dứt mối quan hệ với người này sẽ lại nảy sinh mối quan hệ với người khác, cho nên việc đánh ghen là không có tác dụng gì cả.
“Hạnh phúc gia đình là điều ai cũng mong muốn xây dựng và bồi đắp nhưng việc xuất hiện của kẻ thứ ba đã làm phá vỡ đi những gì vốn có của cái gọi là hạnh phúc gia đình. Mặc dù là vậy, nhưng mọi việc đều có pháp luật điều chỉnh cho nên làm bất cứ điều gì cũng nên suy nghĩ đến việc pháp luật có cho phép bạn làm điều đó không”. Nhà báo Tuấn khẳng định.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Các hành vi đánh ghen với thủ đoạn gây ảnh hưởng đến tinh thần và thể xác cho tình địch có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như “Tội làm nhục người khác”; “Tội cố ý gây thương tích”…. Kết quả của các cuộc đánh ghen là hạnh phúc gia đình “đổ vỡ”, người thì mất công danh sự nghiệp, người thì vướng vào vòng lao lý và kèm theo rất nhiều hệ lụy khác.
Đa phần các đối tượng khi tham gia đánh ghen đều không nhận thức được hậu quả pháp lý nên có suy nghĩ nông cạn, bồng bột là chỉ cần làm cho “tình địch” nhục nhã trước đám đông, mà không biết rằng pháp luật bảo hộ quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, danh dự cho mỗi cá nhân, và không ai có quyền xâm phạm đến thân thể, tính mạng, danh dự của người khác.
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.Anh Minh