Của công “bóc ngắn cắn dài” còn đâu?
Ngày đăng : 11:52, 28/08/2017
Vợ cán bộ xã “đi lạc” vào hộ nghèo
Tháng 4/2017, Báo Thương hiệu công luận đưa tin,theo phản ánh của người dân thôn Bắc Yến (Xã Hải Yến, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), cả thôn có 8 cán bộ, thì 7 vị thuộc diện hộ nghèo. Trong số đó, có trường hợp đang xây dựng “nhà lầu” cao tới 2 – 3 tầng, ước tính bạc tỷ, thuộc dạng to nhất khu.
Vào giữa tháng 5/2017, dư luận địa phương xã Hòa Thành (Cà Mau) bất bình về việc vợ ông Hồ Vũ Phong được “ký gửi” vào hộ nghèo, cận nghèo để hưởng các chế độ, chính sách. Mặc dù hộ khẩu ở ấp Tân Phong A nhưng được “gắn” vào danh sách là con của bà Đào Thị Hoa (72 tuổi) ở ấp Tân Hóa (cùng xã Hòa Thành) trong khi giữa hai người không có mối quan hệ mẹ con.
Việc “dời hộ khẩu” này nhằm hợp thức hóa việc công nhận bà Phượng thuộc hộ cận nghèo để được hưởng chế độ chính sách của nhà nước đối với hộ cận nghèo, cụ thể là chế độ bảo hiểm y tế.
Bằng cách thức tương tự như trên, ông Nguyễn Văn On, Trưởng ấp Tân Hóa và hai trường hợp khác cũng được “gửi” vào hộ nghèo để hưởng các chế độ an sinh xã hội.
Sau tất cả, những gì mà cơ quan chức năng đưa ra chỉ là “triển khai quyết định kỷ luật” các cán bộ xã vì có liên quan đến sai phạm trong việc xét duyệt hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương.
Gần đây, nhiều hộ nghèo xã Nga Thanh (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) cũng bất bình về việc vợ Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Phó Trưởng Công an xã ngồi “chình ình” trong hộ khẩu nhà mình để được hưởng chế độ ưu tiên như hưởng BHYT, vay vốn ngân hàng…
Điều ngạc nhiên hơn, dù danh sách đăng ký hộ nghèo có thêm thành viên mới nhưng chủ hộ lại không hề hay biết việc này.
Sau khi bị phát hiện và tiến hành thanh tra, rà soát thì chỉ nhận được kết luận sẽ xem xét kỷ luật đối với lãnh đạo và cán bộ, công chức xã Nga Thanh liên quan đến vụ việc này.
Dê, gà, bò, nhím người nghèo “đi nhầm địa chỉ” vào nhà cán bộ
Tháng 3/2014, một nửa trong số 24 con dê của TX Bỉm Sơn (Thanh Hóa) dành hỗ trợ các hộ nghèo xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đi “lạc” vào trang trại Bí thu Huyện ủy huyện Thạch Thành. Sau khi sự việc được phanh phui, ông Quý đã “khắc phục” bằng cách chỉ đạo lãnh đạo xã Thành Yên bắt dê trong trang trại của mình trao lại cho 3 hộ nghèo khác.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Tháng 11/2014, 1.250 con gà và 16 con nhím đáng lẽ cấp cho người nghèo trong chương trình hỗ trợ “Nông thôn mới” của người dân xã Quế An và Quế Long (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) “chạy” vào nhà Bí thư và Chủ tịch xã. Với hành vi trên,cán bộ cũng chỉ thừa nhận sai và khẳng định sẽ trả lại cho dân đồng thời họp rút kinh nghiệm, sửa đổi.
Tương tự, đầu năm 2015, thôn Xóm Mới (xã miền núi Ninh Tây, TX Ninh Hòa) có gần 500 hộ dân, được Ngân sách hỗ trợ kinh phí để mua 10 con bò. Tuy nhiên, Trưởng thôn đã không tổ chức họp nhân dân mà tự ý, âm thầm lên danh sách. Đáng chú ý, trong số 10 con bò được cấp phát thì có đến 7 con được cấp cho gia đình và người nhà cán bộ.
Cũng tại Khánh Hòa, UBNN huyện Khánh Vĩnh phê duyệt phương án thực hiện chương trình hỗ trợ 70% chi phí giống sản xuất, 6 con lợn nái giống Yorkshire (48kg/con) cho người dân địa phương. Nhưng ở 2 xã Khánh Trung và Cầu Bà thì hợp đồng ghi cấp lợn nái giống Yorkshire (48kg/con) nhưng thực tế dân chỉ được nhận lợn con..
Quan xã “coi trời bằng vung”
Tháng 8/2017, Báo Đất Việt đưa tin ở Cà Mau, người dân xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) bức xúc việc ông Bùi Hữu Phước – Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã – tự ý bỏ biển cấm người và xe qua cầu Tân Hưng Đông, để ôtô tải chở vật tư vào xây nhà mình khiến người dân phải lưu thông qua lại bằng phà.
Mới gần đây, câu chuyện nữ cử nhân ở xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) xin xác nhận vào hồ sơ lý lịch bị Phó chủ tịch xã Trương Phúc Thực phê: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”, thay vì đóng dấu xác nhận theo đúng quy định. Vì lý do, giữa năm 2016, xã An Bình triển khai làm đường liên xã và có huy động đóng tiền mỗi nhân khẩu 2 triệu đồng. Gia đình không đủ khả năng đóng góp nên khi lên xin dấu xác nhận đã bị lãnh đạo “làm khó”.
(Ảnh minh họa)
Vụ việc chưa lắng xuống, ngày 10/8/2017, tân sinh viên N.V.A (trú xã Duyên Hà, H.Thanh Trì, Hà Nội) đến UBND xã Duyên Hà xin xác nhận Sơ yếu lý lịch để chuẩn bị nhập học đại học bị Chủ tịch UBND xã ký vào sơ yếu lý lịch cho công dân với nội dung: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương chính sách, quy định của địa phương”
Lạm dụng quyền lực hay yếu kém về nhận thức?
Qua những câu chuyện nêu trên, chúng ta thấy một bộ phận cán bộ không phân biệt nổi đâu là quyền hạn và đâu là quyền lực. Họ đang tự cho mình quyền đánh giá, gây khó dễ cho người dân. Dân bầu ra cán bộ để phục vụ chứ không phải để cai trị.
Tình trạng lạm dụng quyền lực, lợi dụng sơ hở pháp luật ngày càng trở nên đáng lo ngại. Cán bộ xã “ăn của dân không trừ thứ gì”, của “ngon” thì tự đem về nhà, thấy nhà họ hơn thì “chui” vào bớt xén. Rõ ràng, cán bộ đã dùng “gậy công lý” mà Nhà nước trao cho để phục vụ mục đích cá nhân, xem nhẹ sự tin tưởng của nhân dân.
Gạt bỏ vấn đề lạm dụng quyền lực, hãy đặt đạo đức làm người và nhận thức yếu kém của những cán bộ ấy lên mổ xẻ. Cán bộ nghèo hơn dân hay sao mà được hưởng lợi hơn? Kinh phí Nhà nước hỗ trợ người dân nghèo, bò, dê, gà… chia ra không nhiều nhưng đó là cần câu cơm của những người khốn khổ.
Thiết nghĩ, để hạn chế cán bộ công chức cơ sở lạm dụng quyền lực thì phải xác định thật rõ nhiệm vụ của cán bộ cơ sở, tức là quy định rõ họ được làm cái gì. Khi bị phát hiện phải quy định trách nhiệm rõ ràng, xử lý nghiêm để cán bộ bị “lờn thuốc”, khi mãi chỉ uống một “đơn thuốc” kỷ luật, cảnh báo, kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đan Thanh
(Tổng hợp)