Sở GTVT Tiền Giang kiến nghị giảm giá vé qua Trạm Cai Lậy
Ngày đăng : 10:24, 14/08/2017
Giá thu phí quá cao
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết: hàng ngày có từ 2-3 lượt người điều khiển phương tiện đưa tiền lẻ mệnh giá 200, 500 và 1.000 đồng vo tròn, nhàu nát nhét vào chai nhựa, cho vào túi nylon, nhúng tiền vào nước… Nhiều tài xế đưa tiền mệnh giá lớn, cố tình kéo dài thời gian qua trạm thu giá Cai Lậy, nhằm gây ùn tắc giao thông. Sở GTVT tỉnh Tiền Giang ghi nhận có 19 phương tiện mang biển số: Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang và TP Hồ Chí Minh thường xuyên sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm, nhằm tạo áp lực cho nhân viên và gây ùn tắc giao thông.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Cục đường bộ sáng 14-8.
Ông Bon cho biết, chủ đầu tư (BOT Tiền Giang) đã trích xuất camera cung cấp thông tin, số đăng ký phương tiện có hoạt động chống đối, gây khó khăn công tác thu phí gửi Công an tỉnh điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, chiều 13-8, hàng chục phương tiện cả 2 chiều (từ TP Hồ Chí Minh đi Vĩnh Long và ngược lại) mang tiền lẻ qua trạm, gây ùn tắc. Một vài tài xế đã có hành vi gây cản trở giao thông, dẫn đến ùn tắc khoảng 3km và làm mất ANTT tại trạm thu phí.
Chủ đầu tư buộc phải xả trạm khoảng 30 phút, sau đó tình hình đã ổn định. Tuy nhiên, đến 20h cùng ngày, các phương tiện trên đã quay lại và tiếp tục gây ùn tắc giao thông qua trạm, buộc chủ đầu tư phải xả trạm lần 2 đến 0h ngày 14-8, mới tiến hành thu phí trở lại.
Trạm Cai Lậy nhiều lần phải xả trạm vì tài xế sử dụng tiền lẻ và áp lực ùn tắc giao thông.
Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra vào chiều tối 9-8. Một nhóm khoảng 14 phương tiện ôtô có gắn logo “Bạn hữu đường xa” di chuyển chậm từ hướng Mỹ Thuận – Trung Lương và tạo thành đoàn dài nối đuôi vào trạm thu giá để phản đối, gây ùn tắc giao thông.
Vào các ngày cuối tuần, lượng phương tiện tăng cao trên QL1 nên xảy ra tình trạng ùn tắc tại trạm thu phí. Các tài xế đưa tiền mệnh giá thấp, dẫn đến ùn tắc cục bộ trong khoảng thời gian 5 đến 7 phút, riêng ngày 13-8 (Chủ nhật) ùn tắc 30 phút.
Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, ngoài việc tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm, mỗi ngày có khoảng 1.000 ôtô các loại lưu thông qua huyện lộ 63 và 67 (đi đường vòng để né trạm).
Sở GTVT tỉnh Tiền Giang kiến nghị, chủ đầu tư tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu về vị trí đặt trạm và mức giá sử dụng đường bộ hiện hành.
Cũng theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, việc đầu tư tuyến tránh Cai Lậy nhưng lại đặt trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án trên QL1 và giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án này cao hơn cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương.
Để hạn chế ùn tắc giao thông tiếp tục kéo dài, tránh thành điểm nóng chính trị – xã hội do người dân phản đối vị trí đặt trạm, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ xem xét giảm mức giá của dự án nhằm giảm chi phí hàng hoá từ các tỉnh ĐBSCL đến các tỉnh khác và ngược lại.
Tỉnh Tiền Giang kiến nghị, cần giảm mức giá qua Trạm Cai Lậy.
Đồng thời, miễn giá dịch vụ sử dụng qua trạm Cai Lậy đối với các phương tiện không kinh doanh vận tải và chủ phương tiện tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, và Phú An (huyện Cai Lậy), giảm 50% giá vé cho các phương tiện kinh doanh vận tải và chủ phương tiện tại 4 xã nói trên và xe buýt có lộ trình qua trạm.
Xử lý hài hoà lợi ích của người dân
Tại buổi làm việc với Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ ghi nhận những phản ánh, ý kiến, đề xuất của Sở GTVT và Hiệp hội GTVT tỉnh Tiền Giang và cho biết sẽ báo cáo lên Bộ GTVT có hướng xử lý phù hợp theo các quy định chung.
Theo ông Thắng, Tổng cục đường bộ đã lấy ký kiến của 63 tỉnh, thành chứ không chỉ riêng tại Tiền Giang để xem xét, giải quyết các bức xúc và giảm phí cho phù hợp. Ông Thắng khẳng định: việc đặt trạm thu phí trên QL1, qua huyện Cai Lậy đã được các đơn vị nghiên cứu và thống nhất giữa tỉnh Tiền Giang, Bộ Tài chính, Bộ GTVT.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, việc xây dựng tuyến tránh Cai Lậy góp phần giảm ùn tắc, đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn và tiện lợi.
Ông Thắng dẫn chứng, Việt Nam có 24.000 km quốc lộ nhưng kinh phí bảo trì hiện nay chỉ đáp ứng được 50%. Chỗ nào hư hỏng cục bộ thì mới sửa chữa chỗ đó. Kinh phí bình quân, chỗ nào hư hỏng nhiều cũng khoảng từ 5 đến 10 tỷ.
“Đối với tuyến quốc lộ dài hơn 26 km, qua tỉnh Tiền Giang cần kinh phí hơn 300 tỷ. Trong khi đó, quốc lộ có đến 24.000 km nên ngân sách không thể đáp ứng được vì đang rất khó khăn. Vì vậy, chúng ta cần phải huy động nhiều nguồn như: vốn xã hội hoá, ODA… để sữa chữa, tái tạo các tuyến quốc lộ”, ông Thắng giải thích lý do không sử dụng ngân sách sửa chữa, tái tạo hơn 26km QL1 qua tỉnh Tiền Giang và sử dụng nguồn vốn BOT.
Về tình trạng các phương tiện né trạm bằng cách qua huyện lộ 63 và 67 khiến hai tuyến đường này nhanh chóng xuống cấp, ông Thắng cho biết: các tuyến đường được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu giao thông và có quy định phương tiện, tải trọng cho từng tuyến đường. Các phương tiện lưu thông không phù hợp, vi phạm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
Như Anh/Cand