Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm không gian chung các khu tập thể ở Hà Nội

Ngày đăng : 05:48, 02/08/2017

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện tại có hàng trăm nhà tập thể cũ, có khoảng không gian sinh hoạt chung, đã và đang bị lấn chiếm để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Dù đã được phản ánh rất nhiều nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt từ phía chính quyền các cấp và ý thức của một số người dân cho nên chưa tạo được sự chuyển biến tích cực.
Cả khu sân chung phía trước khu tập thể H1 Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) bị lấn chiếm trở thành nơi buôn bán.
Cả khu sân chung phía trước khu tập thể H1 Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) bị lấn chiếm trở thành nơi buôn bán.

Không gian chung bị “xà xẻo”

Trước đây, những khu sân chung ở nhà tập thể trên địa bàn TP Hà Nội hầu hết được quy hoạch khá rộng, có những khoảng sân lên đến hàng trăm mét vuông trước mặt mỗi khu tập thể cho trẻ em vui chơi, người già tập thể dục, ngồi nói chuyện và diễn ra những buổi hội họp của tổ dân phố. Tuy nhiên, theo thời gian, những khoảng không gian chung này đã và đang bị lấn chiếm, phục vụ vào nhiều mục đích khác nhau như: buôn bán, đỗ xe, để đồ đạc, vật liệu… Tình trạng nêu trên diễn ra nhiều năm, gây nhức nhối ở các khu tập thể cũ như: Kim Liên, Văn Chương (quận Đống Đa); Khu D4, khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình), Khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy)… Điển hình như, tại khu tập thể H1 trong ngõ Văn Chương (quận Đống Đa), một dãy dài khu sân chung phía trước mặt các khu tập thể nay đã kín đặc những hàng quán, buôn bán đủ thứ mặt hàng, xe máy dựng la liệt trong khu vực sân chung, người dân muốn đi bộ vào khu vực này còn khó, chứ chưa nói đến việc vui chơi hay tập thể dục. Bác Quang (64 tuổi) một người dân sinh sống ở khu tập thể này cho biết: “Trước đây, khu sân chung là chỗ vui chơi của các cháu thiếu nhi và người già, nhưng đã khoảng bảy năm nay không còn lấy một chỗ trống nào để người dân sinh hoạt, hàng quán mọc lên ngày một nhiều”.
Cùng cảnh bị lấn chiếm sân chung, phía mặt ngoài của khu tập thể D4 Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) từ nhiều năm nay đã mặc nhiên xuất hiện vô số hàng quán và trở thành nơi họp chợ, bày bán la liệt bít kín lối đi vào khu tập thể. Chính quyền địa phương đã dựng một tấm biển cấm họp chợ tại khu vực này, nhưng không hiệu quả. Đáng chú ý, tại các sân chung ở khu tập thể nằm trên địa bàn phường Giảng Võ, buổi tối còn mọc lên nhiều hàng, quán ăn nhậu đến đêm khuya; các cư dân tại đây đã kiến nghị lên UBND phường phải dẹp bỏ, nhưng đến thời điểm hiện tại mọi thứ vẫn chưa được xử lý.
Người dân ở khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, việc lấn chiếm không gian chung để sử dụng kinh doanh, trông xe đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Tổ dân phố, chính quyền phường đã nhiều lần họp, yêu cầu, thậm chí cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm trả lại mặt bằng chung cho khu dân cư, thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, các hoạt động buôn bán và kinh doanh lại tái diễn. Như khu nhà K7 và K8 không khác gì một khu chợ nhếch nhác, từ dịch vụ trông xe, quán nước, cơm bình dân đến cửa hàng bánh ngọt, hiệu sửa xe. Bàn ghế lổn nhổn, ô che, bạt căng bừa phứa. Không khí nồng nặc khói than lẫn mùi thức ăn,… Anh Huy (31 tuổi) bức xúc cho biết: “Trẻ con ở khu tập thể này không có chỗ vui chơi, thời gian rảnh chỉ biết cắm đầu vào máy tính, ti-vi. Không biết đến bao giờ cơ quan chức năng mới ra quân dẹp bỏ lấn chiếm ở sân chung khu tập thể như ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường”.

Cần có giải pháp lâu dài, đồng bộ

Theo cơ quan chức năng, sở dĩ xảy ra tình trạng nêu trên là do các khu chung cư cũ đã tồn tại nhiều năm; nhiều khu vực chưa được quy hoạch cụ thể các khu vực và diện tích dành cho các mục đích công cộng và khu vui chơi cho trẻ em, hoặc nếu có, chưa đủ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư tăng cao gây áp lực cho hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực. Do mưu cầu cuộc sống, thói quen sinh hoạt dẫn tới việc lấn chiếm sử dụng diện tích, không gian công cộng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ.
Thực tế, chính quyền các cấp đã nhiều lần xử lý việc lấn chiếm sân chung ở các khu tập thể, tuy nhiên, thực hiện vẫn chưa quyết liệt, dẫn đến tình trạng tái phạm. Như tại khu tập thể K8, phường Thành Công, vào năm 2011, chính quyền và tổ dân phố đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, từ vận động, kêu gọi, yêu cầu cam kết, chấm dứt các sai phạm. Trước những nỗ lực này, khu vực sân chung đã được dẹp bỏ sạch sẽ, nhưng do không duy trì các đợt kiểm tra thường xuyên, nên một thời gian sau tình trạng lấn chiếm sân chung lại bùng phát. Hay như tại các khu tập thể Văn Chương (Đống Đa), Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chính quyền địa phương đã đổ bê-tông, xây tường bao quanh, lắp cầu bập bênh, ngựa quay, ghế đá… tạo sân chơi cho trẻ em, thế nhưng, sau đó do quản lý không tốt, một số hộ dân đã chiếm dụng sân chơi làm nơi đun nấu, bán hàng ăn…
Thực trạng sân chơi ở các khu tập thể và chủ trương dẹp nạn lấn chiếm đã được đề cập trong rất nhiều văn bản của HĐND và UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chung của người dân, cần có các giải pháp đồng bộ, lâu dài để xử lý triệt để. Người dân sống tại các khu tập thể luôn mong mỏi, các cấp chính quyền TP Hà Nội nghiêm túc rà soát để cải tạo, bổ sung, đồng thời kiên quyết giải tỏa những vườn hoa, sân chơi tập thể đang bị lấn chiếm, trả lại không gian sinh hoạt lành mạnh.
Theo Lê Tú/ Nhân dân
Xem thêm>>>
Quốc hội sẽ chủ động tìm đến báo chí để cung cấp thông tin
Nữ thương binh Đồng Lộc và những áng thơ để đời
Taxi ngoại thành “sắp” không được đón khách trong nội thành?