Biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tai nạn đường sắt

Ngày đăng : 04:36, 27/07/2017

(Kiemsat.vn)- Những vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng xảy ra đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, để lại hệ lụy đối với gia đình cũng như gánh nặng cho xã hội.

Những tai nạn thương tâm không đáng có

Theo báo Nguoilaodong, khoảng 9 giờ 20 phút sáng ngày 15/7/17, tại km12+500 đường Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), một chiếc taxi Mai Linh khi băng qua đường sắt vào khu dân sinh đã bị tàu hỏa đâm và kéo lê hàng chục mét khiến tài xế taxi bị trọng thương.

Cũng theo Nguoilaodong, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 3/7/17, tại km 710+700 Thừa Thiên Huế, một người đàn ông đã tử vong do bị tàu hỏa đâm khi đi bộ ngang qua đường sắt.

Trong tháng 7, tại đường sắt đi qua thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, hai thanh niên bị tàu đâm tử vong khi đang chụp ảnh “tự sướng” trên đường ray và không nghe thấy người dân xung quanh hô hoán (theo Báo Vietnamnet ngày 13/7).

Thực tế đã chững minh, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra đều là những vụ tai nạn trên các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, chủ yếu là những đường dân sinh tự phát gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 6.000 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong đó hơn 4.000 là lối đi dân sinh – đường ngang trái phép, không nằm trong quy hoạch, không có biển cảnh báo.

Để giảm thiểu tai nạn, người tham gia giao thông trên đường ngang phải tuân thủ các quy định về luật lệ giao thông qua đường ngang: ưu tiên cho các phương tiện hoạt động trên đường sắt, phải chấp hành những hướng dẫn, hiệu lệnh của người gác, những tín hiệu đường, tín hiệu đèn, chuông báo khi tham gia giao thông qua đường.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Biện pháp phòng ngừa

Ngày 21/7/2017, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

– Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt hoặc chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền.

– Xây dựng lộ trình và sắp xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện việc cập nhật, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ; chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc và cắm biển báo nguy hiểm tại tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

– Tập trung xử lý việc trông giữ xe trái phép, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi trên vỉa hè, vào nhà; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hàng lang ATGT đường bộ, đường sắt; phá hoại công trình giao thông đường bộ, đường sắt; đấu nối trái phép vào quốc lộ…

– Tổ chức giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đất hành lang ATGT đã được bồi thường, đền bù.

– Khi triển khai các dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đường bộ, đường sắt phải lập phương án bồi thường để thu hồi hết phần đất của đường bộ; tổ chức cắm đầy đủ mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ và mốc giải phóng mặt bằng xác định phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng theo quy định.

Phạm Hằng

(giới thiệu)