Vụ chạy thận nhân tạo làm 8 người tử vong: Cách chức Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình
Ngày đăng : 03:42, 21/07/2017
Trả lời phóng viên VOV.VN, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết, sáng 21/7, Hội đồng kỷ luật Sở Y tế Hòa Bình đã họp với 5 thành viên để xem xét hình thức kỷ luật đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo ông Khánh, sau khi xem xét, phân tích các sai phạm của ông Dương, Hội đồng kỷ luật đã đề xuất hình thức kỷ luật cách chức đối với ông Dương và bỏ phiếu kín.
Kết quả, 5/5 thành viên thống nhất hình thức kỷ luật cách chức đối với ông Trương Quý Dương.
Cũng theo ông Khánh, sau khi thống nhất phương án kỷ luật, Sở sẽ gửi báo cáo lên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để ra quyết định.
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trước đó, ngày 19/7, hội đồng kỷ luật của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình đã họp kiểm điểm ông Trương Quý Dương – Giám đốc BV do liên quan đến tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong. Cuộc họp do bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế Hoà Bình chủ trì với 84 người tham dự, gồm toàn bộ lãnh đạo BV, đại diện các khoa phòng. Kết quả bỏ phiếu kín, 70% đồng tình với hình thức khiển trách, 18,2% cảnh cáo và 10% hình thức kỷ luật khác. Sau cuộc họp kiểm điểm tại BV, ông Trương Quý Dương cho biết sẽ viết đơn từ chức giám đốc và xin được bố trí công việc khác.
Liên quan đến việc ông Trương Quý Dương – Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xin từ chức do để xảy ra vụ 8 bệnh nhân tử vong sau sự cố lọc máu chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bên lề Hội nghị thường vụ lần thứ 3 của Tổng Hội Y học Việt Nam, trả lời phỏng vấn phóng viên, PGS. TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) nói: “Tôi chỉ biết thông tin chưa chính thức trên các phương tiện thông tin, qua báo chí về việc ông Trương Quý Dương xin từ chức.
Việc này cũng không quá ngỡ ngàng đối với các nhà quản lý trong ngành Y tế. Tất cả chúng ta đều biết, thảm họa do chạy thận đã làm nhiều người chết như vậy nên chúng ta phải quy trách nhiệm rõ ràng đối với từng cá nhân, kể cả lãnh đạo liên quan.
Vì vậy, ai là người có lỗi, ai là người có tội trực tiếp và liên đới thì các cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng vào cuộc sẽ đưa ra kết luận và sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tuỳ theo sai phạm của mình (nếu có). Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng”.
Theo TS Nguyễn Tuấn Hưng, với vai trò là người đứng đầu đơn vị, ông Trương Quý Dương có trách nhiệm trong quản lý điều hành tất cả mọi hoạt động của đơn vị.
Theo luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình phải có người phụ trách chuyên môn, nếu người đó là ông Dương đương nhiên trách nhiệm của ông Dương trong vụ việc sẽ rõ hơn.
Theo thông tin báo chí đưa, ông Dương đã nhận trách nhiệm của mình vì là người đứng đầu đơn vị đã để vụ việc lớn như vậy, ảnh hưởng tới uy tín của bệnh viện cũng như ngành y tế tại cuộc họp kiểm điểm chứ chưa phải cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, ông Dương đã có động thái là sẽ viết đơn xin từ chức.
“Ông Dương để vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua, vai trò của người đứng đầu rất lớn, mặc dù lỗi cũng có thể khách quan và chủ quan. Đây cũng là bài học sâu sắc, đắt giá trong công tác quản lý bệnh viện và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bởi đó là những nơi cung cấp các dịch vụ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân nên vai trò của người lãnh đạo đứng đầu trong các cơ sở này càng quan trọng. Ông Dương đã nhận thức được vai trò của người đứng đầu khi cơ sở đã xảy ra một sự cố vô cùng đáng tiếc như vậy”.
GS.TS.BS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Khánh Trạch cũng chung quan điểm với PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng và cho rằng, qua vụ việc này, chúng ta đều thấy rằng, ông Dương cũng phải chịu trách nhiệm một phần và cũng phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý./.
Thu Thủy/VOV.VN