Bạo lực học đường: Đã có biện pháp phòng ngừa và can thiệp khi xảy ra
Ngày đăng : 10:21, 20/07/2017
Báo Nguoilaodong đưa tin, ngày 29/10, dư luận rất hoang mang và bức xúc trước clip nữ sinh bị đánh, bị châm tàn thuốc… xảy ra ở huyện Nhà Bè, TP HCM. Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Nhà Bè đã triệu tập 14 đối tượng tham gia trong clip cùng phụ huynh của họ. Nhiều phụ huynh khi nhận được giấy mời của cơ quan công an mới ngã ngửa vì con cái không ngoan hiền như họ vẫn nghĩ.
Hình ảnh ghi lại cảnh nữ sinh bị đánh hội đồng tại huyện Nhà Bè (TP HCM)
Nạn nhân bị đánh trong đoạn clip là em V.N.T.U, SN 2001, ngụ huyện Nhà Bè. Trước đó, U. đã khen một bạn nữ cùng tuổi “cười tươi, dễ thương”. Do có quan hệ tình cảm với người này nên Đ.Th.Th.H (SN 2001, ngụ quận 7) đã nổi cơn ghen, nhờ “đàn chị” Nhí Tino (tên thật là Tr.Ng.H.Y; SN 2000, ngụ quận 1) và nhiều thanh thiếu niên khác đến đánh U. để “dạy một bài học”.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLHĐ, trong đó có nguyên nhân chủ quan về phía các em học sinh như: Bản thân các em còn ít tuổi, chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày, rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ gia đình; mạng internet, phim ảnh, game online…
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Nhà trường chưa thực hiện giáo dục các nội dung phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em đầy đủ; các em chưa được thường xuyên hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh BLHĐ;
Một số phụ huynh thiếu kiến thức và kỹ năng chăm sóc giáo dục con trẻ, chưa quan tâm đến con, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con để kịp thời giúp đỡ, uốn nắn những hành vi lệch lạc;
Môi trường xã hội còn nhiều phức tạp, tệ nạn xã hội và những mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động xấu đến nhận thức, tình cảm và hành vi của các em.
Phòng ngừa và can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường
Ngày 17/7/2017, Thủ thướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dạy kỹ năng, lớp dạy năng khiếu, lớp dạy văn hóa, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt không được đi học ở nhà trường (sau đây gọi chung là lớp độc lập) có người học dưới 18 tuổi; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Tại Điều 6 của Nghị định quy định rõ về phòng, chống bạo lực học đường như sau:
Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường:
– Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;
– Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;
– Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;
– Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
– Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường:
– Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường;
– Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể;
– Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.
Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường:
– Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học;
– Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực;
– Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghị định 80/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/9/2017.
Anh Nga
(giới thiệu)