Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái: ‘Nếu làm sai, tôi sẽ từ chức’
Ngày đăng : 11:06, 30/06/2017
Chiều 29/6, phóng viên VnExpress đã phỏng vấn ông Phạm Sĩ Quý xung quanh khối tài sản của gia đình đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, xem xét tính hợp pháp.
– Vợ chồng ông đều là cán bộ nhà nước nhưng gia đình có khối tài sản lớn gồm quần thể biệt thự, trang trại… trong khu đất 13.000 m2 tại phường Minh Tân (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ông lý giải thế nào về việc này?
– Gia đình tôi phải tích lũy kinh tế trong thời gian dài. Mọi người đừng nhìn hình ảnh tài sản của ngày hôm nay mà hãy hiểu cả quá trình. Tôi từng làm nhiều nghề từ nấu rượu, làm bánh kẹo, ủ giá đỗ… Năm thứ ba đại học, tôi đã chung vốn với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở (Hà Nội). Tuy nhiên để đầu tư số tiền lớn vào các công trình, tôi phải vay nhiều nguồn, trong đó gần 20 tỷ đồng từ ngân hàng với giấy tờ, hợp đồng rõ ràng.
Khi tôi mua, đất đai ở đó không hề đắt, không phải là “khu đất vàng”. Tại Yên Bái có những chỗ đất đồi ngay khu vực trung tâm mà chỉ có 50-70 triệu đồng một ha.
– Ông dùng khoản tiền lớn vay ngân hàng vào công trình gì?
– Gia đình tôi đầu tư vào trang trại, nuôi cá, gà lợn, làm vườn hoa công nghệ cao, trồng địa lan. Cá năm nay mất giá, chứ cuối năm ngoái bán được giá cao.
Chúng tôi đã trả ngân hàng được một phần tiền, tuy nhiên không đáng kể.
Ông Phạm Sỹ Quý: “Tôi không thể nói mình sai hoàn toàn hay đúng hoàn toàn”.
– Ông giải thích thế nào khi có ý kiến cho rằng là lãnh đạo Sở Tài nguyên nên thửa đất gia đình ông đang sử dụng mới được chuyển đổi từ đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 6 quyết định chuyển đổi được ký trong một ngày?
– Bây giờ tôi giải thích thì sẽ bị cho rằng không khách quan. Thanh tra Chính phủ đang làm rõ việc này, sẽ xác minh vì sao gia đình tôi được chuyển đổi và việc đó đúng hay sai.
Ở nông thôn thì nhiều thửa đất ban đầu không phải là đất ở, nó có thể được chuyển đổi từ đất rừng, đất nông nghiệp sang. Mỗi loại đều có hồ sơ, được cấp sổ đỏ riêng do cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ cả quá trình, sau đó mới ký duyệt. Vấn đề ở đây là chuyển đổi đúng quy trình.
Tôi là người trong ngành Tài nguyên Môi trường, nếu mà sự việc chuyển đổi đất đai không đúng quy định, chắc là tôi sẽ từ chức.
– Thửa đất này được xây dựng nhiều hạng mục như khu tham quan, du lịch hơn là chỗ ở đơn thuần. Vì sao ông đầu tư quy mô lớn như vậy và thậm chí phải vay ngân hàng?
– Tôi không kinh doanh gì ở đó cả. Ở Yên Bái đã có công viên nào cho bà con chơi chung đâu, cũng chưa có nhiều nơi để người dân tập luyện thể thao, vì thế tôi xây dựng để phục vụ việc này và những mục đích khác.
Khi có kết luận thanh tra, tôi bị xác định có sai phạm thì sẵn sàng chịu kỷ luật, tùy theo mức độ. Nếu sai trong phạm vi vẫn có thể sửa chữa, tôi xin được tiếp thu, khắc phục. Dư luận xã hội cũng là bài học cho tôi. Bây giờ tôi rất trăn trở và suy nghĩ.
– Gia đình ông đang sở hữu những tài sản nào?
– Chúng tôi có thửa đất ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái và các công trình như trên đã đề cập. Tôi cũng có căn hộ ở khu chung cư Mandarin Garden (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một xe ôtô…
Ông Phạm Sỹ Quý là em bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái. Ngày 27/6, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra nội dung liên quan thông tin về tài sản, đất đai của gia đình ông Quý.
Theo cơ quan chức năng, khối tài sản gồm quần thể biệt thự, trang trại… trong khu đất 13.000 m2 tại phường Minh Tân đứng tên bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý).
Ngày 29/6, UBND tỉnh Yên Bái khẳng định cam kết chấp hành nghiêm mọi yêu cầu của đoàn thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt và pháp luật về thanh tra.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Đoàn thanh tra, gồm việc báo cáo, cung cấp thông tin, giải trình… Các sở, ban, ngành cử người có thẩm quyền làm việc với Đoàn thanh tra. Thanh tra tỉnh là đầu mối thường trực, giúp việc theo yêu cầu của đoàn thanh tra.
(Theo Vnexpress)