Đồng Tâm: Tại sao phải khởi tố vụ án?
Ngày đăng : 04:59, 15/06/2017
Việc khởi tố vụ án này đã gây ra dư luận trái chiều vì trước đó, trong cuộc gặp gỡ nhân dân thôn Hoành, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội đã có bản cam kết viết tay, trong đó nêu rõ “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”.
Trao đổi với Phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói: “Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật nên bất kể cá nhân, cơ quan, tổ chức nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc khởi tố hay không khởi tố dựa trên cơ sở của pháp luật. Nếu có dấu hiệu của tội phạm thì phải khởi tố, không có trường hợp nào ngoại lệ”.
Trước đó, khi vụ việc ở Đồng Tâm diễn ra, người dân đã bắt giữ 38 người thi hành công vụ và đập phá một số tài sản công là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, những hành vi này đã vi phạm vào Điều 123 quy định về “Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” và Điều 143 quy định về “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cơ quan điều tra có quyền khởi tố vụ án để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm. Việc khởi tố này ngoài việc đảm bảo tính chất pháp quyền của Nhà nước Việt Nam, còn là cơ sở để cơ quan điều tra thực hiện các bước tiếp theo trong hoạt động nghiệp vụ bao gồm: Điều tra, thu thập chứng cứ, xác minh cá nhân vi phạm pháp luật… Khi có đủ căn cứ để xác định một cá nhân đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm thì CQĐT ra quyết định khởi tố bị can. Quyết định này phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Đối với việc Cơ quan Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đến nay, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội chưa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nào.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà cho biết: “Pháp luật có quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm để quyết định hình phạt, miễn hay không miễn. Vấn đề quan trọng nhất là thực thi pháp luật cho đúng”.
Chia sẻ tâm tư, lo lắng của người dân Đồng Tâm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói: “Tôi rất thông cảm với người dân Đồng Tâm, một trong những điểm làm cho tôi ấn tượng nhất là trong 7 điểm trình bày do bà Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm thay mặt cho người dân trình bày trong cuộc đối thoại với đồng chí Chủ tịch TP Hà Nội thì điểm đầu tiên thì nhân dân Đồng Tâm nhận lỗi và mong Đảng và Nhà nước cứu vớt. Như vậy, đây là điều làm cho chúng ta hết sức suy nghĩ. Các cụ có nói, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại. Người dân ở Đồng Tâm không muốn gây ra cái việc xáo trộn này mà họ mong muốn được ổn định tình hình để yên ổn làm ăn như bao vùng quê khác.
Phạm Việt Hưng