Bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ gì?

Ngày đăng : 10:09, 06/06/2017

(Kiemsat.vn) - Bạo lực trong gia đình là một trong những vấn nạn của xã hội. Bạo hành gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, bất kể nền văn hóa và trình độ học vấn, bất kể tôn giáo và cũng không ngoại lệ giàu hay nghèo. Chúng ta cần có hành động gì để bảo vệ họ?

Có nhiều lý do dẫn đến các sự bạo lực gia đình, từ sự thiếu thông cảm, sự dồn nén tâm lý, hoặc vì các chất kích thích như rượu, bia, thuốc, ma túy hoặc những khó khăn về kinh tế.

Những gia đình có bạo hành thường để lại di chứng nặng nề cho con cái của họ. Trẻ em gái thường tỏ ra rất mặc cảm trước mặt mọi người, không thích giao tiếp, hoặc không dám kết thân với người khác, thiếu tự tin trong cuộc sống, và luôn có tư tưởng bỏ học. Nếu tình trạng bạo lực gia đình kéo dài, các em sẽ dần rơi vào trạng thái lãnh cảm. Nếu nạn nhân là trẻ em trai thì em có thể trở nên ương bướng, khó bảo, dễ gây gổ với người khác, học hành kém và rất nhiều em đã trở nên hư hỏng.

Đi tù 7 năm vì tội nhậu say rồi về nhà đánh vợ

Nguyễn Đình Thức (SN 1971, trú Phước Lâm, Hòa Hiệp Bắc, Đông Hòa, Phú Yên, hiện ở tổ 12 Tây Nam, Vĩnh Hải, Nha Trang) vừa bị TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) tuyên phạt 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích, buộc bồi thường cho người bị hại 162 triệu đồng.

Trước đó, như báo c.a.n.d TP.HCM đưa tin, Thức nhậu say về nhà gọi vợ là chị Thủy mở cửa. Vừa vào trong nhà thì Thức dùng tay đấm vào mặt Thủy một cái, Thủy van xin Thức đừng đánh nữa. Thức dùng tay nắm tóc Thủy đập đầu vào tường, Thủy vùng bỏ chạy ra ngoài thì Thức đuổi theo. Lúc này, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (em gái Thủy) đi tới can ngăn, Thủy nói với Thoa chạy đi coi chừng bị đánh trúng. Sau đó, Thức dùng tay nắm tóc Thủy đập đầu vào vách tường của dãy phòng trọ một cái, Thủy vùng bỏ chạy, Thức rượt đuổi theo tiếp tục dùng tay nắm tóc Thủy đập đầu vào cửa sắt nhà bên cạnh một cái.

Bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ gì? Bị cáo Thức tại tòa

Sau đó, chị Thủy được chị Thoa chở đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, với tỷ lệ thương tật là 36%.

Bác sĩ có trách nhiệm giúp đỡ người bệnh là nạn nhân của bạo lực trong gia đình

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 24/2017/TT-BYT quy định quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bác sỹ và nhân viên y tế khi tiếp nhận người bệnh khác đến khám, điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nếu nghi ngờ người bệnh có dấu hiệu bị bạo lực gia đình, cần hỏi ở nơi riêng tư, yên tĩnh (phòng hoặc buồng khám riêng), khi không có các thành viên trong gia đình để bảo đảm tính khách quan và an toàn khi cung cấp thông tin.

Bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ gì? Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Trường hợp người bệnh cấp cứu không thể tự trả lời phỏng vấn, việc phỏng vấn được tiến hành sau khi người bệnh đã được điều trị ổn định. Thầy thuốc cần chú ý phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng bị xâm phạm về mặt thể chất, tinh thần và tình dục của người bệnh; xem xét mối tương quan giữa tình trạng tổn thương và tiết lộ của người bệnh về nguyên nhân gây nên tổn thương đó.

Trường hợp người bệnh muốn che giấu việc bị bạo lực, thầy thuốc và nhân viên y tế cần động viên để người bệnh tiết lộ. Thầy thuốc phải thực hiện nguyên tắc bảo mật về các thông tin người bệnh tiết lộ trong quá trình sàng lọc, thăm khám và điều trị.

Bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ gì? Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ những gì?

Người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình được khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chung như đối với mọi người bệnh và theo các quy định sau đây:

– Thầy thuốc cần thăm hỏi đầy đủ người bệnh về tiền sử bị bạo lực gia đình.

– Người bệnh phải được khám toàn diện để tránh bỏ sót những tổn thương thể chất, tinh thần, tình dục liên quan đến bạo lực gia đình và bảo đảm những tổn thương thể chất và tinh thần của người bệnh đều được điều trị đúng.

– Kết quả thăm khám phải được ghi chép đầy đủ, bảo đảm không bỏ sót bất cứ thông tin cần thiết nào.

– Trong trường hợp tổn thương của người bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn của cơ sở thì phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh theo hướng dẫn của Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Bệnh viện và viện có giường bệnh nội trú tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tạm lánh tại cơ sở trong thời gian không quá 24 giờ theo yêu cầu của nạn nhân.

Trường hợp trạm y tế xã có giường lưu có đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế thì bố trí nơi tạm lánh không quá 24 giờ hoặc chuyển người bệnh đến các địa điểm tạm lánh, tạm trú trong cộng đồng.

– Bố trí giường nằm, quần áo, chăn màn cho nạn nhân như người bệnh được điều trị nội trú, lưu theo dõi.

– Trong thời gian tạm lánh, nếu nạn nhân không có người thân thích hỗ trợ, không thể tự lo ăn uống, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hỗ trợ ăn uống cho nạn nhân theo khả năng và điều kiện thực tế của cơ sở.

– Thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có phương án bảo đảm an toàn, an ninh cho nạn nhân, thầy thuốc và nhân viên y tế.

Bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ gì? Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Trường hợp đã hết thời hạn tạm lánh nhưng nạn nhân bạo lực gia đình vẫn cần được hỗ trợ nơi tạm lánh, tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét lựa chọn một trong các trường hợp sau:

– Tiếp tục bố trí cho nạn nhân bạo lực gia đình tạm lánh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

– Liên hệ, đề nghị các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình tiếp nhận và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân tại cơ sở phù hợp.

Anh Nga