Đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý

Ngày đăng : 03:03, 23/05/2017

(Kiemsat.vn) - Thời gian gần đây, nhiều vụ án cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản được đưa ra xét xử và đặc điểm chung của các vụ án này là các bị cáo bị nợ tiền, đi đòi nợ tiền rồi vướng vòng lao lý.

Nhiều người cho vay một số tiền lớn nhưng khi lấy lại thì khó như “lên trời”. Bên vay viện đủ mọi lý do để “xù” món nợ thậm chí ra mặt thách thức, tuyên bố không trả. Điều này khiến cho chủ nợ dễ rơi vào tình trạng bực tức, phẫn nộ vì số tiền lớn có nguy cơ mất trắng và lập tức suy nghĩ đủ mọi cách, miễn là đòi được nợ.

Pháp luật quy định quy trình đòi nợ phải như sau: Chủ nợ khởi kiện con nợ, sau khi có phán quyết của Tòa án thì con nợ phải trả nợ cho chủ nợ. Trong trường hợp con nợ không tự nguyện thi hành bản án, chủ nợ đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi tài sản từ con nợ để trả cho chủ nợ.

Bên cạnh đó, còn có biện pháp khác là chủ nợ khi thấy con nợ bỏ trốn ở đâu thì trình báo cơ quan chức năng, ví dụ như công an phường sở tại, công an quận…, hoặc thậm chí tố cáo hành vi chây ỳ, trốn tránh việc trả nợ của con nợ…

Những trường hợp dễ vướng vào vòng lao lý khi đi đòi nợ
Theo báo lao động, ngày 10/3/2017, Công an huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Tứ Phương (38 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự) về hành vi cướp tài sản.

Đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý Trần Tứ Phương bị khởi tố về hành vi cướp tài sản sau khi đòi nợ bất thành

Theo cơ quan điều tra, trước đó Phương đến nhà bà Trần Thị Hường (ngụ cùng ấp 3) để đòi nợ với số tiền 19 triệu đồng do bà Hường nợ Phương. Bà Hường không trả nợ nên Phương dùng hung khí đánh bà Hường bị thương và đập phá các tài sản trong nhà. Sau đó, Phương thuê xe chở 2 tủ đông lạnh và một chiếc xe môtô của bà Hường về nhà mình thì bị lực lượng công an xã phát hiện, ngăn chặn.

Đây là một trong những trường hợp bên cho vay dùng vũ lực, làm cho người vay lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Trước đó, theo báo CAND, Công an huyện Trảng Bàng đang tạm giữ 12 đối tượng có hành vi “cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, hủy hoại tài sản và cố ý gây thương tích” do Nguyễn Hoàng Giang (tên thường gọi là Sơ Ri, sinh năm 1988, ngụ ấp Lộc Hưng, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cầm đầu.

Đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý Nguyễn Hoàng Giang, Nguyễn Thành Nam- hai đối tượng cầm đầu băng nhóm đòi nợ thuê.

Vào cuối năm 2016, anh Lê Minh Chí (sinh năm 1973, ngụ ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) có tham gia cá độ bóng đá, ghi số đề, dẫn đến thiếu nợ Nguyễn Văn Lớn (tên thường gọi là Sơn, sinh năm 1971, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) số tiền 800 triệu đồng. Lớn nhiều lần đòi nợ nhưng Chí không có tiền trả, nên Lớn đã thuê Nguyễn Hoàng Giang, Nguyễn Thành Nam đi đòi nợ, nếu đòi được, Lớn sẽ trả công 400 triệu đồng.

Sau khi thỏa thuận giá cả, Giang và Nam nhiều lần cùng đồng bọn đến đe dọa, dùng rựa, mã tấu đập phá nhà anh Chí. Ngày 18/8/2016, các đối tượng dùng mã tấu chém em vợ của anh Chí nhiều nhát vào đầu gây thương tích, buộc anh này phải trả nợ. Gia đình anh Chí vì lo sợ bị gây hại đến tính mạng và tài sản của mình nên không dám ở trong nhà, đồng thời đã mang 300 triệu đồng đến trả cho tên Lớn.

Như vậy, bên cho vay đã đe dọa dùng vũ lực uy hiếp tinh thần người vay nhằm chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135. Nếu như tội cướp tài sản đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi dùng vũ lực tấn công hoặc đe dọa tấn công ngay tức khắc làm người bị tấn công/bị đe dọa tê liệt hoàn toàn ý chí nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội cưỡng đoạt chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực (thực tế chưa dùng vũ lực) hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần (như sẽ làm lộ bí mật đời tư) và người bị đe dọa không bị tê liệt hoàn toàn ý chí, vẫn còn có thể lựa chọn cách xử sự khác nhưng vẫn miễn cưỡng giao tài sản cho người phạm tội.

Đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Ở cả hai tội trên, pháp luật không đòi hỏi phải chiếm đoạt được tài sản thì mới phạm tội mà chỉ cần có một trong các hành vi nêu trên là tội phạm đã hoàn thành.

Trong trường hợp nếu người cho vay có các hành vi bắt, giữ hoặc giam nhốt người vay để đòi tiền nợ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt, giữ hoặc giam, người trái pháp luật quy định tại Điều 123 BLHS hiện hành.

Đi đòi nợ rồi vướng vòng lao lý Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Trường hợp đã trình báo với cơ quan công an trước khi đi đòi nợ nhưng nếu bên cho vay có một trong các hành vi như nêu trên thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Anh Minh