Từ nạn nhân trở thành tội phạm vì đánh ghen
Ngày đăng : 09:27, 16/05/2017
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Thời gian qua, có nhiều vụ án bị khởi tố hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính bắt nguồn từ nguyên nhân “đánh ghen”. Do bức xúc khi có vợ hoặc chồng ngoại tình, một số người đã sử dụng bạo lực để giải quyết. Tuy nhiên, họ không biết rằng một khi thực hiện hành vi đánh ghen thì hậu quả rất khó lường. Họ không những làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, mà còn phải gánh chịu những hậu quả pháp lý.
Điển hình như vụ đánh ghen kinh hoàng tại siêu thị Big C Hà Đông, Hà Nội. Theo báo Điện tử An ninh Thủ đô đã đưa tin: Do nghi ngờ Mai Thị A có quan hệ ngoài hôn nhân với chồng mình, chiều ngày 15/6/2016, Vũ Thị Vân Anh (SN 1994) đã cùng 4 người bạn khác đến gặp Mai Thị A (SN 1997) ở siêu thị Big C và đánh đập, xé áo của A trước sự chứng kiến của nhiều người, khiến cô gái này bị thương nhiều nơi trên cơ thể.
Hay theo báo điện tử Dân trí đưa tin về vụ đánh ghen vào tháng 10/2016, xảy ra tại Thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) khiến nhiều người dân xung quanh khu vực được một phen thót tim. Vì nghi ngờ chồng mình là anh L.A.T (SN 1986) ngoại tình với cô gái trẻ H.T.B.T (SN 1989, ngụ phường 7, thành phố Vị Thanh) nên chị chị N.H.T.M (SN 1986, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) đã tìm đến và lao vào đánh cô gái trẻ tới tấp khi bắt gặp trên đường. Cùng đi với chị T.M còn có bố đẻ của chị này giúp con gái thực hiện vụ đánh ghen. Bố đẻ chị M đã túm tóc, giữ chặt tình địch của con gái để chị này thực hiện hành vi dùng dao lam rạch nhiều nhát vào mặt tình địch của chồng.
Chỉ vì mục đích “dằn mặt” tình địch, họ đã lên kế hoạch đánh ghen bằng cách chửi mắng, đánh đập, hạ nhục người khác giữa nơi công cộng rồi quay phim, tung lên mạng xã hội…Bên cạnh những ý kiến đồng tình, thì cũng có không ít người phản đối việc làm này vì cho rằng làm như vậy là dã man, xâm phạm sức khỏe, danh dự của người khác.
Hành vi “đánh ghen thiếu văn hóa” đã và đang ảnh hưởng đến cách ứng xử trong đời sống xã hội nói chung và đời sống hôn nhân nói riêng. Việc sử dụng những hành động bạo lực, hạ nhục người khác không chỉ gây mất trật tự công cộng mà còn làm xấu hình ảnh của người bố, người mẹ trong mắt con thơ và trong mắt những người xung quanh…
Trong trường hợp đánh ghen có gây thương tích hoặc gây tổn hại đến tinh thần, nhân phẩm, danh dự của người khác, người thực hiện có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi, mức độ và hậu quả gây ra…
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định : “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: 1. a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;…”
Trong trường hợp hành vi này được thực hiện ở nơi công cộng, có nhiều người qua lại, chứng kiến thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 về tội làm nhục người khác: “người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Đối với hành vi gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của người khác thì căn cứ vào kết quả giám định và yêu cầu khởi tố của người bị hại, hành vi đánh ghen có thể bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS năm 1999. Cụ thể là cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người không có khả năng tự vệ… Khung hình phạt thấp nhất của tội danh này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác.
Đánh ghen là lựa chọn thiếu sáng suốt, nó không chỉ đẩy các cuộc hôn nhân đến vực thẳm mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khó lường. Cho dù hôn nhân đến bước đường nào thì cũng còn rất nhiều cách khác để giải quyết. Những đòn ghen sẽ biến người bị hại thành kẻ gây hại cho người khác. Do vậy, không nên vì một vài phút nóng giận mà phải đánh đổi cả danh dự, hạnh phúc, tương lai của chính mình.
Khi phát hiện vợ hoặc chồng mình ngoại tình, phải hết sức bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc để không vội vàng thực hiện hành vi có thể gây tổn hại đến tương lai bản thân mình. Thay vì “đánh ghen”, người trong cuộc có thể thu thập chứng cứ và tố cáo đến cơ quan công an để xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm quy định về hôn nhân- gia đình tùy vào mức độ hành vi.
Ánh Phượng