20,000 viên thuốc trị ung thư bị hủy, ai chịu trách nhiệm?
Ngày đăng : 11:28, 08/05/2017
Lỗi không thuộc về Hải quan
Theo kết luận Thanh tra Bộ Y tế về việc kiểm tra kho thuốc tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho thấy, đến ngày 31/12/2015 kho thuốc còn tồn 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg. Đây là lô hàng viện thuốc Tasigna (nilotinib) do tổ chức Novatis Pharma AG (Thụy Sỹ) trao tặng cho Bệnh viện huyết học truyền máu TP. HCM để hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam mắc căn bệnh ung thư máu. Tất cả gần 20.000 viên thuốc này đều đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Lúc này dư luận đặt câu hỏi tại sao có tồn kho lượng lớn số thuốc nói trên và lỗi do dâu? Dư luận đặt câu hỏi về việc chậm trễ do thủ tục thông quan của phía hải quan?
Tuy nhiên mới đây, Tổng cục Hải quan đã có thông tin chi tiết khẳng định lỗi không thuộc về phía Hải quan. Theo đó, ngày 15/7/2013, bệnh viện huyết học truyền máu TP. Hồ Chí Minh nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân. Ngày 28/11/2013, Bệnh viện truyền máu huyết học có công văn số 1639/TMHH-KHTH gửi Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ từ Công ty Novatis Pharma.
Ngày 12/12/2013, Cục Quản lý dược có công văn số 20956/QLD-KD trả lời Bệnh viện truyền máu huyết học TP. HCM, theo đó không đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng do thiếu các văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác. Đến ngày 10/3/2014, Sở Y tế TP. HCM có công văn số 1187/SYT-KHTH gửi UBND TP. HCM đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ.
Sau đó, vào ngày 24/6/2014, UBND TP. HCM ban hành Quyết định số 3126/QĐ-UBND phê duyệt cho Sở Y tế tiếp nhận viện trợ lô hàng thuốc. Ngày 14/7/2014, Cục Quản lý dược có công văn số 11978/QLD-KD đồng ý để Bệnh viện huyết học truyền máu tiếp nhận lô hàng. Trong văn bản số 11978/QLD-KD nêu rõ: hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.
Theo vận đơn số 740135202-2 và 7401351230 lô hàng được xếp lên phương tiện vận tải (máy bay) để vận chuyển sang Việt Nam vào ngày 23/7/2014. “Như vậy, thời điểm lô hàng cập cảng Việt Nam hạn dùng còn lại không còn đủ 12 tháng (sản xuất từ tháng 6/2013)” – Tổng cục Hải quan chỉ rõ.
8 ngày sau, ngày 1/8/2014, Bệnh viện truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh có công văn gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo. Ngày 6/8/2014, Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL- VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện truyền máu huyết học TP. HCM, cơ quan hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho lô hàng này. Cả 2 tờ khai đều đã được thông quan ngày 7/8/2014.
Tổng cục Hải quan khẳng định: “Việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục. Vì lý do nhân đạo, cơ quan Hải quan vẫn nhanh chóng thông quan lô hàng 01 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan”.
Bệnh viện không có lỗi?
Giám đốc (GĐ) BV Truyền máu huyết học TP.HCM Phù Chí Dũng cho hay, gần 20.000 viên thuốc phải tiêu hủy nằm trong số thuốc tổng cộng 34.608 viên thuốc được viện trợ cho chương trình Tasigna Copay cho 50 bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy sử dụng trong 12 tháng. Khi điều trị bằng Tasigna, bệnh nhân phải trả khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ mỗi năm. Sau thời gian bệnh viện đàm phán, công ty dược đồng ý viện trợ thuốc theo chương trình Tasigna Copay tức chỉ miễn phí 11,5 tháng và bệnh nhân phải đồng chi trả 4%, tương đương 42 triệu đồng một năm. Dựa vào thực tế khả năng đồng chi trả của người bệnh, bệnh viện dự kiến nhập 34.608 viên thuốc cho khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện tham gia điều trị.
Ban đầu, phía nhà sản xuất đề nghị tỷ lệ đồng chi trả là 10% do bệnh nhân góp. Sau nhiều lần thảo luận, mới giảm xuống 4%.
BV phải chờ thêm thời gian để người bệnh mua toa thuốc Tisigna lần đầu. Tới 27/9/2014 mới có người bệnh đầu tiên đủ kinh tế mua toa thuốc đầu tiên theo quy định.
Cuối cùng chỉ có 26 người được dùng thuốc. Khi hạn sử dụng thuốc chỉ còn 10 tháng, số lượng bệnh nhân chỉ bằng 1/2 so với dự trù nên không sử dụng kịp số thuốc vừa nhập.
“Bệnh viện đã chủ động đề nghị với nhà sản xuất mở rộng chương trình sang cho các bệnh nhân ở BV khác hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân để tận dụng hết số thuốc nhưng công ty không đồng ý mà chấp nhận việc tiêu hủy” – ông Dũng phân trần.
Ông Dũng khẳng định, số thuốc viện trợ đã về trễ so với dự kiến và lúc đó hạn dùng còn 10 tháng là do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các đơn vị chức năng.
Lỗi thuộc về quy trình?
Theo các thông tin ở trên chúng ta có thể thấy quy trình nhập lô thuốc nhân đạo này mất thời gian ra sao, để ra được một công văn, các cơ quan chức năng thông thường mất ít nhất ba đến bốn tháng, thậm chí còn lâu hơn.
Ngày 15/7/2013, bệnh viện huyết học truyền máu TP. Hồ Chí Minh nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân. Ngày 28/11/2013, Bệnh viện truyền máu huyết học có công văn số 1639/TMHH-KHTH gửi Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ. Riêng để ra được công văn này, phía Bệnh viện truyền máu huyết học đã mất tới bốn tháng rưỡi.
Và cũng mất tới bốn tháng rưỡi nữa, ngày 10/3/2014, Sở Y tế TP. HCM mới có công văn số 1187/SYT-KHTH gửi UBND TP. HCM đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ.
Kể từ khi tiếp nhận công văn của Sở Y Tế Tp Hồ Chí Minh, hơn ba tháng sau, ngày 24/6/2014, UBND TP. HCM mới ban hành được Quyết định số 3126/QĐ-UBND phê duyệt cho Sở Y tế tiếp nhận viện trợ lô hàng thuốc.
Trong quy trình phức tạp và lằng nhằng này, phía Cục Quản lý dược chiếm kỷ lục về thời gian nghiên cứu, ra văn bản. Ngày 12/12/2013, Cục Quản lý dược có công văn số 20956/QLD-KD trả lời Bệnh viện truyền máu huyết học TP. HCM, theo đó không đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng do thiếu các văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác. Và đến tận ngày 14/7/2014, nghĩa là tròn bẩy tháng hai ngày, Cục Quản lý dược mới có công văn số 11978/QLD-KD đồng ý để Bệnh viện huyết học truyền máu tiếp nhận lô hàng. Nhưng trong văn bản số 11978/QLD-KD nêu rõ: hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng. Nghịch lý ở đây là phía Cục Quản lý Dược biết rõ số thuốc trên được sản xuất tháng 6/2013, hạn dùng 24 tháng, nghĩa là ngay khi họ ban hành công văn đồng ý nhập thuốc về thì hạn sử dụng đã chỉ còn 11 tháng.
Công văn hỏa tốc số 6110/QLD-KD của Cục Quản lý Dược gửi Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh
Mới đây, Cục Quản lý Dược Bộ Y Tế đã có công văn hỏa tốc số 6110/QLD-KD kính gửi Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát và có báo cáo bằng văn bản về Vụ Bảo hiểm Y Tế và Cục Quản lý Dược để báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Sơn Tùng (tổng hợp)