Liên tiếp xảy ra những vụ vỡ hụi tiền tỷ, vì đâu nên nỗi?

Ngày đăng : 12:48, 17/04/2017

(Kiemsat.vn) – Từ một hình thức huy động vốn hiệu quả thì nay hụi đã biến tướng chẳng khác nào một hình thức cho vay nặng lãi. Những vụ vỡ hụi cứ xảy ra nhan nhản nhưng hình thức chơi hụi kiểu hút máu người này vẫn tồn tại, mà xuất phát điểm của nó chính là sự tham lam của chính những người trong cuộc.

Chiêu trò cũ – nạn nhân mới

Liên tiếp xảy ra những vụ vỡ hụi tiền tỷ, gây xôn xao dư luận tại các tỉnh như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Bằng hình thức chơi hụi, các thành viên trong nhóm có thể dễ dàng có được khoản tiền lớn bằng cách “góp tiền lẻ thành tiền chẵn” và chịu lãi vay từ những người tham gia. Hình thức này giúp cho người chơi huy động vốn một cách dễ dàng, thuận tiện hơn vay ngân hàng.

Khi tham gia vào một nhóm nhất định, sẽ có một người đứng lên làm chủ và những người chơi hụi chủ yếu dựa vào niềm tin, cũng như khả năng chi trả của chủ hụi. Do vậy, khi đóng tiền thì giữa các bên chỉ có giấy viết tay đơn giản, sơ sài, thâm chí mọi giao dịch tiền bạc có khi chỉ được thực hiện bằng miệng.

Tuy nhiên, thực tế là chủ hụi đã lợi dụng niềm tin và đánh vào lòng tham của các thành viên rồi đưa ra mức lãi suất “trên trời” nhưng không  sử dụng số tiền đó vào việc kinh doanh. Vậy thử hỏi: lợi nhuận ở đâu ra để chủ hụi trả cho các thành viên? Hay họ âm thầm, mưu tính rồi dùng tiền của người nọ trả người kia?

Vụ vỡ hụi 50 tỷ đồng ở Hậu Giang khiến xóm làng điêu đứng, nhiều gia đình tan nát.

(nguồn internet)

Nhìn lại những vụ vỡ hụi, ta thấy rằng chúng đều có “Mô- tuýp” quen thuộc. Ban đầu chủ hụi cố tình phô trương tiềm lực kinh tế, tìm mọi cách để các hụi viên tin tưởng. Khi đã tin, các thành viên tự nguyện giao tiền triệu mà không cần biên lai, thay vào đó, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán lãi đầy đủ, đúng hẹn. Nhiều người thấy lãi cao, lại được thanh toán “sòng phẳng” nên đã dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được hay tìm mọi cách vay mượn để có tiền đóng hụi. Cho đến khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ nợ thì những nạn nhân này mới biết mình bị lừa. Chỉ với chiêu trò đơn giản những đã có hàng nghìn nạn nhân sập bẫy, lâm vào cảnh điêu đứng, kiệt quệ, nợ nần chồng chất, nhiều người, vì “xót của” nên đã phát bệnh, thậm chí là tìm đến cái chết. Ngoài ra, các nạn nhân thường kéo đến các cơ quan chức năng để tố cáo, kiện tụng… gây mất trật tự tại địa phương.

 Hành lang pháp lý “lỏng lẻo”.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 471 BLDS 2015: hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Nghị định 144/2006/NĐ-CP quy định về họ, hụi, biêu, phường đã chỉ ra trách nhiệm của chủ hụi, các hụi viên và quy định giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng.Tuy nhiên, nghị định  lại không quy định rõ về chế tài trong trường hợp người vi phạm không trả, hoặc không trả đủ số tiền cho người bị vi phạm. Vì thế rất nhiều trường hợp mặc dù được tòa xử thắng, nhưng không bảo đảm việc thi hành án và nạn nhân vẫn phải chấp nhận mất tiền vì người vi phạm thông báo không  còn tài sản.

Bên cạnh đó, chưa có các văn bản quy định cụ thể cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự. Đối với các vụ vỡ hụi lớn, người cầm đầu dây không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, trong đó dấu hiệu bắt buộc phải là bỏ trốn sau khi chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm đối với chủ hụi thường rất khó. Một phần do chủ hụi và người chơi đều thỏa thuận với nhau bằng miệng, giấy tờ, biên lai rất sơ sài.

Những giấy tờ biên nhận sơ sài kiểu này khiến các cơ quan chức năng không đủ căn cứ để xử lý kẻ đầu vụ (nguồn internet)

Hơn nữa, muốn chứng minh được hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì phải có các dấu hiệu như con nợ bội tín, không có khả năng thanh toán và dùng thủ đoạn gian dối để không trả khoản nợ đó. Trong khi đó, việc thu thập chứng cứ để xử lý các vụ án vỡ hụi thường mất nhiều thời gian, công sức? Do vậy, các cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.

Thận trọng và cảnh giác

Từ những vụ vỡ hụi đã xảy ra, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi quyết định tham gia các nhóm, đường dây hụi. Bên cạnh đó, khi giao dịch cần phải có các tài liệu liên quan như: sổ hụi (họ) trong đó thể hiện rõ các thông tin như: tên, địa chỉ của chủ hụi và các thành viên, phần hụi, kỳ mở, thể thức góp vốn và lãnh hụi, số tiền hoặc tài sản khác đã góp hoặc đã lãnh hụi…Những thỏa thuận giữa chủ hụi với hụi viên và giữa các thành viên với nhau, các lần góp hụi phải được ghi chép và lưu giữ cẩn thận. Để làm cơ sở để các cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết, đem lại công bằng cho nạn nhân khi xảy ra tranh chấp.

Ánh Phượng