Trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em: Mới chỉ là con số báo cáo

Ngày đăng : 03:45, 28/03/2017

(Thanh tra)- Trong 5 năm (2012 - 2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ, TB&XH) Đào Hồng Lan cho biết, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo…
Họp báo cáo về tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục
Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Hồng Lan cho biết, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, báo động về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn. Ảnh: TN

Ngày 27/3, Ủy ban Tư pháp phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuộc tọa đàm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Hồng Lan, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê. Đặc biệt, gần đây qua phản ánh của báo chí cho thấy, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, báo động về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận người lớn.

“Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những em bé tuổi mầm non; thầy giáo, nhân viên bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục nhiều học sinh”, bà Lan nói.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 – 2010, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đánh giá, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội.

Điều này, không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, trong trường học cũng xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng như thầy giáo, bảo vệ hoặc người lạ mặt đột nhập vào trường dâm ô học sinh. Nạn nhân của các vụ việc trong trường học chủ yếu là học sinh nữ cấp tiểu học, không có khả năng tự bảo vệ và yếu về kỹ năng phòng, tránh xâm hại.

Phân tích rõ hơn, theo Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an), nghề nghiệp của những đối tượng phạm tội xâm hại tình dục trẻ em tương đối đa dạng, có cả thành phần là cán bộ, công chức viên chức Nhà nước, thậm chí có cả trí thức, có đối tượng không nghề nghiệp.

“Các đối tượng đã lợi dụng trẻ em ở nhà một mình hoặc những nơi vắng vẻ để xâm hại; có trường hợp đối tượng cho trẻ em uống rượu, uống các chất kích thích khác để xâm hại tình dục; có trường hợp đối tượng phạm tội dụ dỗ trẻ em đi chơi tạo điều kiện thuận lợi để xâm hại tình dục; có nhiều vụ đối tượng đã làm quen trên mạng xã hội để dụ các em đi chơi rồi xâm hại tình dục”, Đại tá Hoàng Văn Vĩnh cho hay.

Luật còn nhiều khoảng trống

Vấn đề đặt ra, hiện có 9 cơ quan có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cũng như đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em. Song tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang diễn biến nghiêm trọng và phức tạp.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, hiện nay, luật pháp về bảo vệ trẻ em còn có nhiều khoảng trống. Pháp luật hình sự còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng như tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em, chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ em.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm trẻ em bị xâm hại tình dục
Toàn cảnh cuộc tòa đàm. Ảnh: TN

Pháp luật tố tụng hình sự quy định thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại trẻ em chưa chú trọng đầy đủ đặc tính dễ bị tổn thương của trẻ em. Chưa quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.

Trong khi đó, Đại tá Vĩnh cho biết, Công an ở một số địa phương tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm để lập hồ sơ ban đầu làm chưa được chặt chẽ, ảnh hưởng đến quy trình điều tra, cũng như việc củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý đối tượng có hành vi phạm tội.

Hơn nữa, có những vụ án, nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân thiếu sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, nguyên nhân là do gia đình nạn nhân mặc cảm sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em hoặc do gia đình nạn nhân đã thỏa thuận bồi thường với đối tượng gây án, chỉ khi đối tượng chây ì không chịu thực hiện theo cam kết lúc đó gia đình nạn nhân mới tố cáo.

“Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đều không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ tuổi năng lực hiểu biết hạn chế, tâm lý dễ bị kích động, thường có sự hoảng loạn nên việc khai báo ban đầu trong một số vụ án chưa chính xác”, Đại tá Vĩnh nói.

Để bảo vệ trẻ em, theo Viện KSND Tối cao, Bộ luật Hình sự cần quy định rõ khái niệm “dâm ô” để khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xác định Dâm ô đối với trẻ em.

Còn Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị, thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em do một Phó Thủ tướng phụ trách, cơ quan thường trực thuộc Bộ LĐ, TB&XH, thành viên Ủy ban là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể hữu quan. Cùng với đó, đề nghị ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương, tiến hành rà soát, thẩm định điều kiện cấp phép hoạt động, quản lý các “nhóm, lớp trẻ tư thục”, khắc phục tình trạng hoạt động tự phát và chưa bảo đảm an toàn cho trẻ như hiện nay…

Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là người quen
Theo Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, qua phân tích điều tra thấy nhân thân của các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là đối tượng chưa có tiền án, tiền sự, có quan hệ gần gũi với nạn nhân, có thể là hàng xóm hoặc họ hàng của nạn nhân.

“Trong đó đáng chú ý có một số đối tượng nước ngoài đến Việt Nam gây ra những vụ dâm ô với trẻ em”, Đại tá Vĩnh cho biết.

Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, hàng năm, các cơ quan giám định khoảng 2.000 vụ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục trẻ em. Trong năm 2016 và quý I/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con.
Một số vụ việc xâm hại tình dục nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: Vụ bảo vệ Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học La Pán Tẩn (Lào Cai) Đỗ Văn Nam dâm ô 23 học sinh ở trường; vụ cháu bé 13 tuổi ở tỉnh Cà Mau tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần; vụ việc nghi phạm ở Vũng Tàu xâm hại tình dục với nhiều trẻ em; vụ việc cháu bé 8 tuổi ở quận Hoàng Mai bị xâm hại tình dục…

Thảo Nguyên

theo Thanh Tra