Hà Nội kiến nghị xử lý loại hình kinh doanh ‘bóng cười’, shisha

Ngày đăng : 08:48, 08/03/2017

Sử dụng nhiều “bóng cười”, shisha có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên hiện nay chưa có chế tài nào hạn chế kinh doanh hay xử lý vì không nằm trong danh mục chất ma tuý.

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

Thay mặt Ban Chỉ đạo 138/CP TP.Hà Nội phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 sáng nay (7/3), Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nêu bật một số kết quả về công tác phòng, chống tội phạm, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2016: Phạm pháp hình sự kéo giảm 7,6% so với 2015; tỷ lệ điều tra khám phá đạt 79,1%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong đó trọng án đạt 95,2%; không để tồn tại tụ điểm tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong nhân dân…

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phát hiện nhiều nhóm tội phạm người nước ngoài có hành vi phạm tội trên địa bàn, chuyên trộm tài sản trên xe ô tô, rình ở những nơi giao nhận tiền đánh hỏng xe để trộm cắp… Công an TP. Hà Nội đang tập trung xác lập chuyên án để bắt 2 nhóm đối tượng từ nước ngoài vào lập công ty lừa đảo dưới hình thức kinh doanh trên mạng với số tiền lớn.

Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội kiến nghị Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP có chế tài xử lý đối với loại hình kinh doanh “bóng cười”, shisha.

“Hai loại này hiện nay thanh niên, học sinh có xu hướng sử dụng rất nhiều, đặc biệt trong liên hoan, sinh nhật, hội họp. Nếu sử dụng nhiều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, làm cho thần kinh có những vấn đề phức tạp, tuy nhiên hiện nay chưa có chế tài nào hạn chế kinh doanh hay xử lý vì không nằm trong danh mục chất ma tuý”, Thiếu tướng Đinh Văn Toản nêu.

Đại diện lãnh đạo Công an Hà Nội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 138/CP và các bộ ngành Trung ương sớm hoàn thiện văn bản pháp luật, có những hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong xử lý số người nghiện ma tuý đá đang có chiều hướng gia tăng nhiều hơn, dẫn đến loạn thần, “ngáo đá”, gây nguy hiểm cho xã hội…

Đồng tình với ý kiến này, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo thống nhất. Đối với người nghiện ma tuý đá có dấu hiệu đến mức loạn thần thì cần cách ly để phòng ngừa. “Từ ngáo đá họ có thể gây ra những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn trong khi việc quản lý, xử lý tại cơ sở rất khó khăn”, ông Phong nói.

Người đứng đầu Công an TP.HCM cho biết, trong năm 2016 lực lượng Công an TP.HCM đã triệt phá nhanh nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, chuyển hoá nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, đạt nhiều kết quả tích cực; nhiều mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát huy tốt, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố…

Tuy nhiên tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn chiếm tỷ lệ cao, hơn 84%; tội phạm cướp giật giảm ở khu vực trung tâm nhưng vẫn hoạt động ở các vùng khác; tội phạm trộm cắp kéo giảm 16,31%, cao nhất từ trước đến giờ nhưng xuất hiện tội phạm chuyên nghiệp tập trung ở các doanh nghiệp, khu chung cư…; cơ cấu độ tuổi người phạm tội ngày càng trẻ; tội phạm lợi dụng công nghệ cao, giả danh cơ quan công quyền lừa đảo phổ biến…

Ngoài 10 nội dung, giải pháp mà Ban chỉ đạo 138/CP TP.HCM đã đưa ra trong năm 2017, Thiếu tướng Lê Đông Phong đề xuất Chính phủ tiếp tục quản lý dữ liệu số imei điện thoại để ngăn chặn việc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có đối với điện thoại di động và máy tính bảng.

“Đối với vấn đề cai nghiện tại cộng đồng đề nghị nghiên cứu, cụ thể hoá trong những trường hợp không ràng buộc được trách nhiệm của gia đình đối với thân nhân người nghiện. Có những trường hợp gia đình buông xuôi, bó tay, để mặc người nghiện cho xã hội, trách nhiệm cụ thể rất mơ hồ. Từ đó họ có thể có những hành vi vi phạm khác”, Giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh.

Theo CAND