Án lệ và việc áp dụng án lệ trong xét xử
Ngày đăng : 07:00, 06/02/2017
Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là một trong những nhiệm vụ của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao được quy định tại khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 giao nhiệm vụ này cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thực hiện thông qua việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014 còn quy định Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Như vậy, bên cạnh ban hành Nghị quyết, thì công bố án lệ là một phương thức mới để Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thực hiện nhiệm vụ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, ngày 28/10/2015 Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP “Về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 03/2015). Nghị quyết số 03/2015 gồm 10 điều, quy định về các vấn đề cơ bản sau đây: (1) Án lệ và giá trị pháp lý của án lệ; (2) Lựa chọn án lệ (tiêu chí lựa chọn án lệ; rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ; lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ; (3) Hội đồng tư vấn án lệ; thông qua án lệ; công bố án lệ); (4) Nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử; (5) Hủy bỏ, thay thế án lệ.
Như vậy, Nghị quyết số 03/2015 quy định nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm: Lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ và hủy bỏ, thay thế án lệ trong xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng), phá sản, vụ án hình sự và vụ án hành chính. Đây là những vấn đề mới cần được phân tích, đánh giá làm sáng tỏ để có nhận thức thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích, đánh giá các vấn đề sau: Khái niệm án lệ; áp dụng án lệ dưới góc độ xét xử, giải quyết vụ việc dân sự. Đối với việc áp dụng án lệ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, phá sản, tác giả sẽ đề cập ở những bài khác.
- Về khái niệm án lệ
Theo Điều 1 Nghị quyết số 03/2015 thì án lệ được định nghĩa là: “Những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Như vậy, theo hướng dẫn này, thì án lệ là “Những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể”; còn việc “lập luận, phán quyết” đó được “Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ” chỉ là cách thức để xác lập án lệ. Bên cạnh đó, cụm từ “bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật” có lập luận, phán quyết được chọn làm án lệ là để chỉ các bản án, quyết định dân sự (theo nghĩa rộng), phá sản, hình sự và hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm. Với định nghĩa này thì khái niệm án lệ là chưa đủ rõ về mặt nội dung. Vì vậy, khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 03/2015 đã tiếp tục cụ thể hóa nội dung của án lệ, theo đó án lệ là “Những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng”.
Như vậy, theo định nghĩa về án lệ tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2015, thì án lệ có hai loại:
Loại án lệ thứ nhất là “Những lập luận làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau”. Hiện nay, Tòa án áp dụng đồng thời cả pháp luật về tố tụng và pháp luật về nội dung để xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, phá sản, vụ án hình sự và vụ án hành chính. Trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp không có sự thống nhất về nhận thức giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau hoặc giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng về việc áp dụng các quy định cụ thể của pháp luật về tố tụng và pháp luật về nội dung để xét xử, giải quyết vụ việc nêu trên. Đó là những trường hợp mà văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa rõ hoặc không có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết hoặc có quy định khác nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung. Vì vậy, lập luận, lý giải của Thẩm phán, Hội đồng xét xử về nội dung, phạm vi áp dụng của quy định còn có cách hiểu khác nhau trong một vụ việc cụ thể để làm căn cứ cho việc xét xử, giải quyết chính là án lệ. Ví dụ sau đây về xác định khái niệm “trở ngại khách quan” không tính vào thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự năm 2005 sẽ làm rõ thêm khái niệm án lệ trên phương diện là những lập luận, phân tích trong bản án, quyết định dân sự. (Ví dụ này chỉ mang tính giả định, không phải là vụ việc cụ thể xảy ra trên thực tế):
Trong một vụ án dân sự chia tài sản thừa kế theo pháp luật, nguyên đơn đề nghị chia tài sản do ông nội của nguyên đơn để lại sau khi chết và đang được bị đơn quản lý, sử dụng. Tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn và các tài liệu có trong hồ sơ, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Nguyên đơn kháng cáo cho rằng thời hiệu khởi kiện vẫn còn, bởi lẽ thời gian 10 năm nguyên đơn được quyền khởi kiện chia thừa kế theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật Dân sự (BLDS) cũng là thời gian mà nguyên đơn đang chấp hành hình phạt tù. Trong thời gian này, nguyên đơn không liên lạc được với người thân thích của nguyên đơn nên không thể biết được thời điểm cụ thể ông nội của nguyên đơn chết để nộp đơn khởi kiện chia thừa kế. Vì vậy, thời gian chấp hành hình phạt tù của nguyên đơn là thời gian xảy ra trở ngại khách quan quy định tại khoản 1 Điều 161 BLDS năm 2005, không được tính vào thời hiệu khởi kiện. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án. Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa ra lý do hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm như sau:
“Tòa án xét thấy rằng thời gian 10 năm mà nguyên đơn được quyền khởi kiện chia thừa kế theo quy định tại Điều 645 của BLDS cũng là thời gian mà nguyên đơn đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam tỉnh A. Trong thời gian này, nguyên đơn có thư gửi cho bị đơn để hỏi thăm tình hình gia đình, họ hàng và đề nghị bị đơn giúp đỡ về tài chính nhưng không nhận được thư trả lời. Bị đơn cũng đã thừa nhận trong thời gian đó có nhận được thư của nguyên đơn nhưng không trả lời và cũng không tiếp xúc, liên lạc với nguyên đơn dưới các hình thức khác. Trong hoàn cảnh bố mẹ nguyên đơn đã mất trước khi nguyên đơn chấp hành hình phạt tù và không nhận được tin tức từ bị đơn (là em ruột của nguyên đơn) dù đã cố gắng liên lạc qua thư, thì nguyên đơn không còn cách thức khác để có được thông tin về người thân thích của mình. Do đó, việc nguyên đơn không biết được thời điểm ông nội của nguyên đơn chết là sự thật khách quan. Sự thật khách quan này đã dẫn đến việc nguyên đơn không thể thực hiện được quyền của mình là nộp đơn khởi kiện để yêu cầu chia tài sản thừa kế trong thời gian chấp hành hình phạt tù. Vì vậy, có cơ sở để khẳng định rằng trong thời gian 10 năm chấp hành hình phạt tù, nguyên đơn không liên lạc được với người thân thích của mình nên không biết được ông nội của nguyên đơn đã chết. Đồng thời, thời gian nguyên đơn chấp hành hình phạt tù cũng là thời hạn mà nguyên đơn có quyền khởi kiện chia thừa kế quy định tại Điều 645 của BLDS năm 2005. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật này thì thời gian mà nguyên đơn đang chấp hành hình phạt tù là thời gian xảy ra trở ngại khách quan, không được tính vào thời hiệu khởi kiện”
Như vậy, lập luận nêu trên của Tòa án cấp phúc thẩm đã làm rõ thêm khái niệm “trở ngại khách quan” quy định tại khoản 1 Điều 161 BLDS năm 2005 trong một vụ án dân sự cụ thể. Trong trường hợp được lựa chọn làm án lệ, thì lập luận“…Vì vậy, có cơ sở để khẳng định rằng trong thời gian 10 năm chấp hành hình phạt tù, nguyên đơn không liên lạc được với người thân thích của mình nên không biết được ông nội của nguyên đơn đã chết. Đồng thời, thời gian nguyên đơn chấp hành hình phạt tù cũng là thời hạn mà nguyên đơn có quyền khởi kiện chia thừa kế quy định tại Điều 645 của BLDS năm 2005. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật này thì thời gian mà nguyên đơn đang chấp hành hình phạt tù là thời gian xảy ra trở ngại khách quan, không được tính vào thời hiệu khởi kiện” chính là án lệ.
Bên cạnh đó, theo Điều 2 Nghị quyết số 03/2015 thì loại án lệ thứ hai là những “phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng”. Đây là loại án lệ có thể được xác lập trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp vụ việc dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016). “Vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết các vụ việc dân sự được thực hiện theo các nguyên tắc do BLDS và Bộ luật này quy định”.
Ví dụ: Ông A và bà B là vợ chồng có đăng ký kết hôn hợp pháp, có một con chung là cháu C. Từ năm cháu C lên hai tuổi, bà B ra nước ngoài làm việc, để lại cháu C cho ông A nuôi dưỡng. Đến năm cháu C lên 7 tuổi, bà B trở về Việt Nam xin ly hôn với ông A và đề nghị được nuôi dưỡng cháu C. Tòa án thành phố H đã giải quyết cho hai người ly hôn nhưng giao cháu C cho ông A nuôi dưỡng. Sau khi ly hôn, ông A phát hiện thấy bà B đang làm thủ tục đưa cháu C sang nước X cư trú theo diện thường trú với bà B nên đã làm đơn đề nghị Tòa án quận D, thành phố H yêu cầu không cho phép bà B mang cháu C ra nước ngoài cư trú. Ông A cho rằng nếu bà B đưa được cháu C sang nước X cư trú, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của ông với tư cách là người cha đang được Tòa án giao chăm sóc, nuôi dưỡng cháu C. Theo đó, khi cháu C cư trú ở nước ngoài, thì ông sẽ không có điều kiện để thăm, gặp và chăm sóc con vì bà B đã và sẽ che giấu địa chỉ nơi cư trú của bà và cháu C; đồng thời việc làm này của bà B cũng vi phạm quyền của cháu C được cả hai vợ chồng ông chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Sau khi nhận đơn, TAND quận D thấy rằng về hình thức thì yêu cầu của ông A không phải là một loại việc cụ thể về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Tuy nhiên, xét về nội dung, thì yêu cầu của ông A là yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp cháu C mà Tòa án đã giao ông A thực hiện và quyền của cháu C được cả ông A và bà B chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình trước nguy cơ những quyền này bị bà B xâm phạm. Do đó, Tòa án đã căn cứ khoản 2 Điều 4 của BLTTDS năm 2015 để thụ lý giải quyết. Trên cơ sở xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ do hai bên đương sự cung cấp, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của ông A, ra quyết định không cho phép bà B đưa cháu C sang nước X cư trú với các lý do sau đây:
Thứ nhất, mặc dù theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; khoản 13 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì cháu C (con chung của ông A và bà B) không thuộc diện bị cấm xuất cảnh, hoãn xuất cảnh hoặc chưa được xuất cảnh. Tuy nhiên, ông A là người được Tòa án giao trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu C nên phải là người có quyền quyết định nơi cư trú nào là phù hợp với cháu C. Trong khi đó, bà B thừa nhận đã cố tình không cho ông A biết việc bà đang làm thủ tục đưa cháu C sang nước X sinh sống theo diện thường trú; không cung cấp địa chỉ nơi bà B cư trú tại nước X khi ông A yêu cầu. Do đó, có cơ sở cho rằng việc làm nêu trên của bà B là vi phạm nghiêm trọng quyền của ông A về việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu C; đồng thời là hành vi nhằm cản trở ông A tiếp xúc, liên lạc với cháu C trong trường hợp bà B đưa được cháu C sang nước X để cư trú.
Thứ hai, chỉ cần bà B đưa được cháu C sang nước X mà chưa tính đến việc bà B có hoàn thành được thủ tục cho cháu C được thường trú tại nước này hay không thì việc làm đó sẽ để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho cả cháu C cũng như ông A. Hậu quả đó không chỉ là sự vi phạm quyền của ông A trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu C theo quyết định của Tòa án mà còn tách biệt cháu C khỏi môi trường sống thuận lợi mà cháu đang được hưởng trong nhiều năm nay. Bên cạnh đó, việc hòa nhập của cháu C trong môi trường sống mới chắc chắn sẽ rất khó khăn, có môi trường khác biệt với Việt Nam cả về hệ thống pháp luật, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ…. Những khó khăn đó sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý và các mặt khác của cháu C.”
Như vậy, nếu được lựa chọn, thì lập luận trên đây chính là án lệ về một loại việc về hôn nhân và gia đình được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của BLTTDS năm 2015.
Theo ý kiến của tác giả, nếu loại việc trên đây phát sinh trên thực tế thì Tòa án cần phải thụ lý để giải quyết cho dù có thể phát sinh nhiều ý kiến khác nhau. Bởi lẽ, đây là yêu cầu bảo vệ quyền, nghĩa vụ của cha hoặc mẹ là người đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người con và quyền của người con trong việc được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng, tiếp xúc, liên lạc của cả cha và mẹ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước nguy cơ những quyền, nghĩa vụ này bị xâm phạm. Bên cạnh đó, việc Tòa án thụ lý để giải quyết yêu cầu loại này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi đưa trẻ em ra nước ngoài và giữ trẻ em lại ở nước ngoài một cách bất hợp pháp bởi chính cha hoặc mẹ các cháu. Đây cũng là các yêu cầu mà Công ước về quyền trẻ em buộc các quốc gia thành viên Công ước, trong đó có Việt Nam, phải thực hiện (khoản 3 Điều 9, khoản 2 Điều 10 và khoản 1 Điều 11 của Công ước). Đặc biệt, trong thời gian tới khi mà Việt Nam là thành viên của Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của vấn đề trẻ em quốc tế bị bắt cóc, thì loại việc này chắc chắn sẽ được Tòa án Việt Nam thụ lý để giải quyết. Khi trở thành thành viên của Công ước này, thì pháp luật của Việt Nam sẽ phải sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi Công ước, theo đó khi một bên là cha hoặc mẹ cư trú ở Việt Nam không đồng ý để một bên còn lại là mẹ hoặc cha đưa con chung của họ từ 16 tuổi trở xuống ra nước ngoài thì có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam xem xét cấm hoặc hoãn không cho đưa người con chung đó ra nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như quy định trong Công ước này. Trong trường hợp người con đã được bố hoặc mẹ đưa ra nước ngoài mà không có sự đồng ý của mẹ hoặc cha người con đó ở Việt Nam, thì người mẹ hoặc người cha có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền hoặc Tòa án nước nơi người con của họ đang cư trú áp dụng biện pháp cần thiết để đưa người con đó về Việt Nam. Đây là quyền của cha hoặc mẹ của người con được quy định tại Điều 8 của Công ước.
Thạc sĩ Lê Mạnh Hùng
Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC
Nguồn: TCKS số 6/2016