Mạng xã hội tố giác tội phạm rất hiệu quả
Ngày đăng : 07:49, 10/12/2016
Thời gian gần đây, mạng xã hội đã cung cấp nhiều thông tin quý giá để cơ quan chức năng xác minh, điều tra xử lý các băng nhóm, đối tượng phạm tội. Không ít vụ án nghiêm trọng liên quan đến tội phạm bị truy nã, vụ việc ngược đãi trẻ em… do người dân cung cấp trên mạng xã hội được công an triệt phá.
Bằng chứng không thể chối cãi
Từ clip do một người đưa lên Facebook, ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng, ép liếm chân vào ngày 27-10, Công an huyện Nhà Bè, TP HCM đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh nạn nhân là em V.N.T.U (SN 2001; học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm huyện Nhà Bè). Sau đó, công an triệu tập 14 người liên quan, trong đó xác định T.N.H.Y (tự Nhi Tino, SN 2000, sống lang thang) và Đ.T.T.H (SN 2001, ngụ quận 7) là 2 người chủ mưu.
Ông Bùi Đức Phương bị bắt giam sau khi mạng xã hội “tố giác” có hành vi nổ súng đe dọa một phụ nữ
Ảnh: Lê Phong
Ngày 15-10, tại hẻm 26B Lạc Long Quân (phường 3, quận 11) xảy ra vụ cướp táo tợn, trong lúc cơ quan công an khó khăn trong việc xác định nghi can thì bất ngờ trên mạng xã hội đăng tải clip 2 thanh niên xông vào nhà giật điện thoại. Một điều tra viên Công an quận 11 ghi nhận: “Từ những hình ảnh nói trên, lực lượng trinh sát đã tìm ra danh tính và bắt giữ nghi can”.
Mới đây nhất, sáng 5-12 xảy ra vụ ông Bùi Đức Phương, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ An ninh Việt Nhật (đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình), nổ súng hăm dọa bà Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Chứng kiến vụ việc, một người dân bất bình, ghi hình rồi tung lên Facebook. Clip gây ra “bão” thông tin trên mạng xã hội và Công an quận Tân Bình nhanh chóng vào cuộc. Qua điều tra, Công an quận Tân Bình phát hiện ông Phương có hành vi làm giả thẻ ngành công an và các tài liệu liên quan đến đồng phục công an nhân dân nên ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phương về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức”.
Kênh thông tin hữu ích
Vụ bạo hành trẻ em ở Campuchia gây phẫn nộ dư luận những ngày qua cho thấy vai trò quan trọng của mạng xã hội. Người cung cấp hình ảnh vụ bạo hành này là anh L.C chia sẻ: “Đó là việc mà ai thấy cũng làm như tôi thôi. Tôi vui mừng vì cháu bé đã được giải cứu”.
Theo anh C., trước đó không lâu, lúc đang ở Campuchia, anh tình cờ xem được những đoạn video clip cháu bé tên S. (3 tuổi, người Campuchia) bị bóp cổ, chích điện, bạo hành man rợ, lưu trong điện thoại của Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê An Giang). Sau khi tìm cách lấy được video clip trên, anh C. đã gửi cho một người bạn, nhờ đăng tải lên Facebook với mong muốn công an 2 nước vào cuộc điều tra để sớm giải thoát cho cháu bé tội nghiệp. “Không ngờ những thông tin của tôi lại là cơ sở để cơ quan công an dùng làm bằng chứng xử lý Dũng và đồng bọn” – anh C. vui mừng.
Và rất nhanh chóng, từ clip này, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ Ret Sothy (28 tuổi), Oeu Nat (25 tuổi, người Campuchia) và ông Stefan Strui, tổng giám đốc điều hành trang trại ca cao Kamkav ở Campuchia. Đến ngày 7-12, trinh sát Bộ Công an nước ta đã bắt Dũng tại quận 7 cùng với tang vật là 48 video clip ghi lại cảnh hành hạ bé S.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) – Bộ Công an, khẳng định chính những thông tin quý giá từ anh L.C mà các trinh sát Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan xác minh được tên, địa chỉ cũng như chỗ ẩn náu của Nguyễn Thành Dũng. “Hiện tại, một số địa phương đã dùng mạng xã hội làm nơi tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm. Tôi nghĩ mô hình này cần được nhân rộng” – Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhấn mạnh.
SỸ HƯNG – LÊ PHONG/nld.com.vn/