Viện cấp cao 3 kiến nghị sửa đổi mẫu lý lịch bị can
Ngày đăng : 10:28, 16/05/2017
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Qua các vụ án đã kháng nghị và xét xử tái thẩm cho thấy, việc kết luận điều tra, truy tố, xét xử không đúng đặc điểm nhân thân của người thực hiện hành vi phạm tội trong các vụ án hình sự nêu trên là do thiếu sót của Cơ quan điều tra. Cụ thể như trong việc xác minh lý lịch bị can, nội dung xác minh còn sơ sài, không xác minh đầy đủ đặc điểm nhân thân của bị can. Do chủ quan khi xác minh nhân thân của người phạm tội, dẫn đến việc bị can có nhân thân xấu nhưng không xác minh kỹ nên lập các tài liệu trong hồ sơ vụ án như: Biên bản hỏi cung bị can, danh bản, chỉ bản, lý lịch bị can không đúng và không làm rõ được tiền án, tiền sự của bị can. Bên cạnh đó, việc không thu giữ giấy tùy thân có ảnh, có dấu vân tay để đối chiếu khi lập danh chỉ bản đã dẫn đến việc lập danh chỉ bản không đúng đặc điểm nhân thân của người thực hiện hành vi phạm tội. Trong nhiều vụ án người thực hiện hành vi phạm tội đã bị Tòa án nơi cư trú xử phạt tù, nhưng việc trích lục vẫn xác định họ không có tiền án. Bị can có nơi cư trú ở tỉnh khác đến địa bàn thực hiện hành vi phạm tội nhưng khi xác minh không thực hiện việc tra cứu tàng thư, căn cước ở Bộ Công an nên không phát hiện ra các hành vi phạm tội của bị can ở các địa phương khác.
Lý lịch bị can có ý nghĩa phản ánh chính xác, cụ thể các đặc điểm về nhân thân người phạm tội. Tuy nhiên, qua các vụ án đã giải quyết theo trình tự tái thẩm cho thấy mẫu lý lịch bị can do Bộ Công an ban hành có điểm chưa phù hợp (biểu mẫu 19VB, ban hành theo Quyết định số 789/2007/QĐ-BCA ngày 12/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an). Mẫu lý lịch này cũng làm cho việc xác minh lý lịch bị can không được chính xác, vì lý lịch không có ô để dán ảnh và không bắt buộc phải dán ảnh bị can, dẫn đến Công an cấp xã khi ký xác nhận đã không thể nhận dạng được người thực hiện hành vi phạm tội có đúng với họ tên và lai lịch nêu trong lý lịch bị can hay không.
Mặt khác, việc lập lý lịch bị can là hoạt động điều tra để làm rõ về lai lịch, nhân thân người thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, lý lịch bị can phải do Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự lập theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì mới hợp pháp. Nhưng do cuối mẫu lý lịch bị can phía bên phải ghi “Người lập”, mà không ghi rõ là “Điều tra viên lập”. Vì thế, đã xảy ra trường hợp lý lịch bị can do cán bộ điều tra lập. Như vậy là vi phạm về thủ tục tố tụng.
Để khắc phục những thiếu sót nêu trên, VKSND cấp cao 3 đã ban hành văn bản kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an một số nội dung sau:
– Tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các Điều tra viên trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, đặc biệt chú trọng trong việc lập danh, chỉ bản và xác minh lý lịch bị can. Đồng thời cần tổ chức rút kinh nghiệm về việc lập danh, chỉ bản và lý lịch bị can, nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Điều tra viên trong điều tra các vụ án hình sự.
– Đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi mẫu lý lịch bị can (biểu mẫu 19VB nêu trên) cho phù hợp thực tiễn và yêu cầu của Bộ luật Tố tụng hình sự mới. Cụ thể: cần có ô dán ảnh và bắt buộc phải dán ảnh bị can, để Công an cấp phường, xã nhận dạng được người thực hiện hành vi phạm tội có đúng với họ tên và lai lịch nêu trong lý lịch bị can hay không trước khi ký xác nhận. Sửa đổi phần cuối mẫu lý lịch bị can (biểu mẫu 19VB): Phía bên trái cần bỏ cụm từ “UBND”; phía bên phải cần sửa cụm từ “Người lập” thành cụm từ “Điều tra viên lập” cho đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự./.
Nguyễn Thị Ngát
VKSND cấp cao 3