Những kỷ niệm không thể nào quên

Ngày đăng : 07:12, 18/04/2017

(Kiemsat.vn) – Là sĩ quan Công an, giáo viên Khoa điều tra tội phạm của Trường Công an nên dù am hiểu và nắm vững nghiệp vụ của ngành Công an nhưng hiểu về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân đối với tôi vẫn còn hạn chế.

Tháng 01/1989, tôi được Bộ Công an điều động về công tác tại VKSND tối cao. Là sĩ quan Công an, giáo viên Khoa điều tra tội phạm của Trường Công an nên dù am hiểu và nắm vững nghiệp vụ của ngành Công an nhưng hiểu về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân đối với tôi vẫn còn hạn chế. Thời điểm này, Bộ luật Tố tụng hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực thi hành. Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên đến trụ sở VKSND tối cao trình quyết định điều động của Bộ Công an, được đồng chí Phạm Văn Thảo – lãnh đạo Vụ tổ chức cán bộ tiếp, trong buổi gặp gỡ, đồng chí Thảo – có hỏi tôi nguyện vọng về làm việc ở các đơn vị tại VKSND tối cao. Quả thật lúc đó tôi không biết VKSND tối cao có bao nhiêu đơn vị trực thuộc và gồm những đơn vị nào… Qua đồng chí Thảo, tôi được biết VKSND tối cao có Vụ Điều tra thẩm cứu và thấy chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có thể phù hợp với nghiệp vụ điều tra mà mình đã học trong ngành Công an, nên tôi đề xuất về công tác ở Vụ Điều tra thẩm cứu; (mấy tháng sau, Vụ Điều tra thẩm cứu được đổi tên thành Cục Điều tra). Thế là nghiệp điều tra tội phạm gắn bó với tôi từ đó cho đến ngày về nghỉ hưu.

Vụ Điều tra thẩm cứu lúc đó tính cả tôi và đồng chí Nguyễn Mạnh Hiền (nguyên Vụ trưởng Vụ 3) về cùng ngày với tôi, biên chế có 14 đồng chí, đồng chí Bùi Quang Nam làm Vụ trưởng, đồng chí Thang Văn Khuê làm Phó Vụ trưởng, sau đó Vụ được bổ sung thêm đồng chí Nguyễn Hồng Diên và đồng chí Nguyễn Duy Yên. Những ngày tháng đầu làm quen với công việc điều tra của Vụ, chúng tôi được đồng chí Vụ trưởng giao cho nhiệm vụ nghiên cứu, học tập Luật Tổ chức VKSND sửa đổi năm 1988, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 1989 và nghiên cứu các hồ sơ, văn bản các phòng điều tra thẩm cứu địa phương thỉnh thị báo cáo đề xuất hướng giải quyết đến đồng chí Vụ trưởng…

Tháng 6/1989, tôi được bổ nhiệm chức danh Điều tra viên trung cấp, là một trong số Điều tra viên đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân. Tháng 9/1989, một thử thách lớn đến với tôi, đó là được đồng chí Vụ trưởng tin tưởng giao nhiệm vụ cùng tham gia tổ công tác tiến hành điều tra xác minh những vi phạm pháp luật của một cơ quan thi hành pháp luật tỉnh Cửu Long (nay là hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh). Tổ công tác gồm 7 đồng chí do đồng chí Bùi Quang Nam, Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo. Được tham gia tổ công tác, bản thân tôi rất vinh dự, tự hào vì được Lãnh đạo đơn vị tin tưởng, nhưng tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng, vì kinh nghiệm điều tra, vốn sống va chạm thực tế còn hạn chế…, song nhiệt huyết của tuổi trẻ thôi thúc tôi lên đường đương đầu với thử thách.

Ngày ấy kinh phí, phương tiện phục vụ cho hoạt động điều tra còn hạn chế, chỉ có vài chiếc va ly dự thẩm, mấy chiếc máy ảnh của Liên Xô cũ viện trợ, kinh phí phương tiện đi lại phụ thuộc Văn phòng VKSND tối cao. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng VKSND tối cao đã giao cho Tổ công tác chiếc xe Uoát để phục vụ cho hoạt động điều tra. Để tiết kiệm kinh phí, tôi và hai đồng chí đi theo xe vào thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí Điều tra viên cao cấp có chế độ được đi máy bay thì đi vào trước, hẹn thời gian hội quân tại T44 (số 201 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, nay là 199 Hoàng Văn Thụ quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh).

Sau đó là những chuỗi ngày xa gia đình, hàng ngày vùi đầu nghiên cứu hồ sơ tài liệu, cùng với công việc xác minh, thu thập tài liệu đầy gian khổ của Tổ công tác, vì địa bàn xảy ra rộng ở khắp các huyện ở tỉnh Cửu Long, số lượng nhân chứng, đối tượng liên quan nhiều, tính chất vụ án rất nghiêm trọng và phức tạp. Đối tượng điều tra là nguyên lãnh đạo và cán bộ cơ quan thi hành pháp luật. Quá trình điều tra vụ án trong hoàn cảnh đặc biệt phức tạp về chính trị, đồng bào Khmer và các chức sắc trong tôn giáo của người Khmer rất bất bình với việc khởi tố, bắt giam, dùng nhục hình trong điều tra của Công an tỉnh Cửu Long vì tất cả các đối tượng bị điều tra, bắt giam, chết đều là người Khmer, có người giữ chức sắc cao trong tôn giáo của người Khmer, số người bị bắt giam quá nhiều, nhục hình giam giữ dẫn đến chết nhiều người gây dư luận xấu về chính trị… Song với sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao, sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Cục trưởng, cùng với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình hăng say trong công việc, sự đoàn kết thương yêu giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau của các Điều tra viên, Tổ công tác đã vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ. Sau hơn 5 tháng điều tra, vụ án đã kết thúc. Các bị can trong vụ án đã từng làm việc trong cơ quan thi hành pháp luật tỉnh Cửu Long và nhiều bị can khác đều bị truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật, lấy lại lòng tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng, nhà nước và với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Vụ án đã khép lại, xong đối với tôi đây là bài học lớn đầu tiên học được trong quá trình điều tra vụ án lớn, phức tạp. Được đồng chí Cục trưởng giao, vừa làm công việc tổng hợp vụ án, vừa được phân công trực tiếp điều tra hai đối tượng có dấu hiệu phạm tội “dùng nhục hình”, tôi đã từng bước vận dụng lý luận điều tra tội phạm với việc học hỏi kinh nghiệm của các đồng chí trong tổ công tác, nhất là sự chỉ bảo của đồng chí Cục trưởng, bản thân tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và cũng từ đây tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về điều tra án… nhất là học hỏi được tính chịu đựng trước những khó khăn, thử thách của các đồng chí đi trước. Những bài học đó đã cùng tôi trong suốt quá trình công tác và trưởng thành, mãi mãi là những kỷ niệm sâu sắc không thể quên trong cuộc đời làm Điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Nguyễn Thanh Bình
Nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Trích bài “Những kỷ niệm sâu sắc về Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân” – nhiều tác giả, TCKS số 8/2017