VKSND tối cao: Cần đảm bảo xử lý nghiêm vi phạm về ATTP
Ngày đăng : 10:30, 01/04/2017
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 đã sửa đổi Điều 317 (Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm) theo hướng phân hóa rõ hơn các trường hợp phạm tội, bổ sung tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì sẽ xử lý hình sự. Đồng thời, bổ sung thêm các yếu tố khác như giá trị hàng hóa hoặc thu lợi bất chính hoặc gây tổn hại cho sức khỏe để phù hợp với từng hành vi phạm tội cụ thể, bảo đảm bao quát hết các tình huống có thể xảy ra và có căn cứ xử lý hình sự ngay nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh minh họa ngộ độc thực phẩm tập thể: Internet
Không đồng tình với những sửa đổi trên tại Điều 317 trong dự thảo, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao đã chỉ ra một số bất cập về các nội dung được sửa đổi:
– Trong những năm gần đây, an toàn thực phẩm là vấn đề báo động, gây lo lắng, bức xúc cho mọi người dân. Mặc dù công tác tuyên truyền, quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã được chính quyền các cấp quan tâm nhưng tình trạng thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn vẫn không giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Do vậy, quy định tại Điều 317 BLHS năm 2015 là để bảo đảm xử lý nghiêm đối với loại hành vi nguy hiểm này và được dư luận đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, Điều 317 dự thảo theo hướng thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm (gồm cả quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh) là không phù hợp, sẽ không xử lý hình sự được đối với trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của người khác (thậm chí là nhiều người) nếu trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 317 dự thảo là không bảo đảm chính sách xử lý công bằng so với quy định tại điểm d khoản 1 Điều này vì người kinh doanh thực phẩm có sử dụng chất cấm “gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 31% đến 60%” thì bị xử lý hình sự, còn người sản xuất, chế biến trong trường hợp này lại không bị xử lý hình sự, trong khi hành vi sản xuất, chế biến và kinh doanh, mua bán có tính nguy hiểm tương đương nhau.
– Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 317 dự thảo có nội dung trùng lặp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều này về nội dung “sử dụng chất, hoá chất bị cấm trong chế biến thực phẩm” vì thực phẩm có thể bao gồm cả nông sản, lâm sản, thủy sản.
– Lấy giá trị thực phẩm: từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (điểm c, d khoản 1); hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng (quy định tại điểm đ, e khoản 1) làm căn cứ xử lý hình sự trong Điều luật này là không phù hợp, không đúng với với tính chất đặc trưng của loại tội này. Bởi trong nhiều trường hợp thực phẩm có giá trị thấp nhưng có hàm lượng chất độc, hại gây nguy hại cao cho tính mạng, sức khỏe của con người (ví dụ rượu có chất methanol) và ngược lại loại thực phẩm có giá trị cao nhưng hàm lượng chất độc, hại thấp.
Từ những phân tích trên, Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao đề nghị chỉnh sửa lại toàn bộ Điều 317 dự thảo Luật theo hướng quy định các yếu tố khác như thu lợi bất chính hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với mức tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội cụ thể, bảo đảm có căn cứ xử lý hình sự ngay nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng; còn trường hợp chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng thì phải kèm theo điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Kỳ Sơn