Rườm rà thủ tục đưa người nghiện đi cai

Ngày đăng : 02:18, 25/06/2016

(Kiemsat.vn) - Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy, ngày 24/6/2016, VKSND huyện Thủy Nguyên phối hợp với Trung tâm giáo dục lao động - xã hội Hải Phòng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Như Hùng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND, Tổng Biên tập TCKS; Lãnh đạo UBND, VKSND, TAND, Công an, Sở Lao động thương binh xã hội, Sở Tư pháp, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Y tế, Thành Đoàn TP. Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên; Lãnh đạo Trung tâm giáo dục lao động – xã hội Hải Phòng, UBND, Công an, Trạm Y tế các xã của huyện Thủy Nguyên và đại diện VKS một số quận, huyện trên TP. Hải Phòng.

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu dự Hội thảo

Theo báo cáo đề dẫn của Ban tổ chức, thông qua gần một năm áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại địa phương, các cơ quan hữu quan đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên số lượng người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các cơ quan hữu quan trực tiếp liên quan đến việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vấn đề này.

Tại Hội thảo đã có 16 ý kiến tham luận tập trung làm rõ một số vấn đề như: Những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị trong việc thiết lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc; thực trạng áp dụng các quy định của pháp luật và những khó khăn, vướng mắc trên thực tế trong quá trình đưa người đi cai nghiện bắt buộc; những khó khăn, vướng mắc của cơ sở cai nghiện trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người đi cai nghiện bắt buộc.

Chưa thống nhất trong việc áp dụng pháp luật

Căn cứ của pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng trong thực tiễn công tác lập hồ sơ của các đơn vị luôn phải sửa đổi, chỉnh lý do phải áp dụng 57 biểu mẫu khác nhau vào trong quá trình công tác.

Theo đồng chí Phạm Công Hạ, Trưởng Công an xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, qua thực tế công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại địa bàn đang nổi lên một số vấn đề là quy định cụ thể chi tiết về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, một số quy định về đối tượng không bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nằm ngoài quy định của Luật Xử lý hành chính; hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trùng lặp, gây khó khăn cho quá trình thực hiện; điều kiện đối với người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy chưa phù hợp với thực tiễn; những đối tượng khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hết thời hạn, trở về địa phương, tái nghiện thì làm lại đúng quy trình trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đối tượng không hợp tác trong việc viết tường trình và ký vào các biên bản.

Từ những bất cập đó, Trưởng Công an xã Hoàng Đông đề nghị cần phải sửa đổi những vấn đề này theo hướng đơn giản, cụ thể, đảm bảo sự cần thiết, tính hợp lý và phù hợp với thực tiễn: “Tránh thủ tục rườm rà, thiếu văn bản hướng dẫn, không sát với thực tiễn sau khi triển khai Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Có cùng quan điểm như trên, đồng chí Phạm Thanh Sơn, đại diện Cơ quan điều tra Công an huyện Thủy Nguyên cho rằng, hiện nay công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đang gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí hạn hẹp, người nghiện tham gia chương trình cai nghiện này phải đóng một khoản kinh phí không nhỏ, gây khó khăn cho việc thực hiện. Mặt khác công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, thị trấn hiện đang phải áp dụng 02 thông tư về biểu mẫu, gây khó khăn cho đơn vị lập hồ sơ.

“Chưa có thông tư quy định về biểu mẫu văn bản, hiện tại đang áp dụng biểu mẫu của Thông tư 14 và hầu hết tự chế biểu mẫu thực hiện dẫn đến tình trạng không thống nhất, liên tục phải phải trả hồ sơ để chỉnh sửa, bổ sung gây khó khăn chậm chễ trong quá trình thực hiện” – Đồng chí Phạm Thanh Sơn, đại diện Cơ quan điều tra Công an huyện Thủy Nguyên nêu rõ.

Đồng chí cũng đề nghị, trong quá trình thẩm định Phòng Tư pháp huyện, Phòng Lao động thương binh xã hội, Tòa án nhân dân huyện thống nhất trong các nội dung hướng dẫn. Thời gian xét duyệt hồ sơ nhanh chóng để các đơn vị cơ sở tổ chức hiệu quả. Bên cạnh đó, đề nghị ban hành thông tư hướng dẫn về biểu mẫu văn bản thống nhất áp dụng và thực hiện.

Đánh giá về chất lượng xây dựng hồ sơ đề nghị xử lý hành chính người nghiện ma túy, đồng chí Phạm Duy Hiển, Trưởng phòng 10 VKSND TP. Hải Phòng nêu rõ, qua công tác giải quyết khiếu nại thấy các kiến nghị, kháng nghị của VKS liên quan đến vấn đề này giảm so với trước, nguyên nhân là do các cơ quan tư pháp đã hoàn thiện tốt hồ sơ và làm hết trách nhiệm trrong việc thẩm định hồ sơ. Tuy nhiên, đồng chí cũng nhận thấy, số lượng hồ sơ đề nghị xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn ít so với thực tế và không đồng đều giữa các quận, huyện hiện nay. Số lượng hồ sơ gửi đến VKS đa phần là do Cơ quan Công an cấp huyện thực hiện, cấp xã ít.

Theo đồng chí để đảm bảo chất lượng hồ sơ đề nghị xử lý hành chính phải đầy đủ phiếu trả lời kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền cấp; xác nhận đúng tình trạng nghiện ma túy của đối tượng nghiện; biên bản về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy còn thời hiệu và sát với thực tế.

Quy định của pháp luật còn nhiều khoảng trống

Các đối tượng và điều kiện áp dụng một số quy định cơ bản về trình tự áp dụng biện pháp xử lý hành chính là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định và đã bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn nghiện, cũng như không có nơi cư trú ổn định và chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Đức Quỳnh, Trưởng Công an xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên cho rằng quy định này chưa sát với thực tiễn, vì đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn rất đa dạng, không chỉ là những thanh niên từ 18 tuổi trở lên, mà còn rất nhiều đối tượng dưới 18 tuổi. Do đó, Chính phủ và Quốc hội cần xem xét ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và biện pháp quản lý sau cai nghiện theo Luật Phòng, chống ma túy để thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bởi vì, tại khoản 1, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại, xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng nêu rõ, quy định về điều kiện đối với người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy hiện nay là chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định: Người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có chứng chỉ tập huấn về điều trị nghiện ma túy. Căn cứ khoản 2 Điều 66 Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 thì các hoạt động khám, chữa bệnh thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khám, chữa bệnh. Do đó, nếu theo Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP thì hiện nay bác sĩ, y sĩ làm việc tại các cơ sở y tế thực hiện theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không được xác định tình trạng nghiện ma túy kể cả việc họ là bác sĩ điều trị nghiện, vì đa số chưa được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật Khám, chữa bệnh.

Các đại biểu đề nghị, đối với bác sĩ, y sĩ thì nghiệp vụ xác định tình trạng nghiện ma túy không nhất thiết phải có chứng chỉ, mà chỉ cần được tập huấn và cấp chứng nhận là đủ. Do đó, cần phải bỏ một số quy định về điều kiện không cần thiết đối với người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện để khắc phục khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu người có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện, đồng thời vẫn đảm bảo việc xác định tình trạng nghiện kịp thời, chính xác, khách quan.

Tổng Biên tập TCKS Nguyễn Như Hùng phát biểu tại Hội thảo

Viện trưởng VKSND huyện Thủy Nguyên Lưu Xuân Sang phát biểu tại Hội thảo

Giám đốc Trung tâm giáo dục – lao động xã hội Hải Phòng Nguyễn Quang Toàn phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Lao động thương binh xã hội và đồng chí Đỗ Thị Liên, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Thủy Nguyên cũng đưa ra ý kiến, công tác phối hợp giữa Công an xã, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động thương binh xã hội và Tòa án hiện nay cũng gặp không ít hạn chế, khó khăn khi ra văn bản đề nghị Công an cấp xã hoàn thiện biểu mẫu, hồ sơ trước khi gửi sang Phòng Tư pháp và Tòa án xem xét, giải quyết về các đối tượng bị xử lý hành chính.

Các đồng chí đề nghị các cơ quan thẩm quyền cần xây dựng quy định phối hợp, tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa để quá trình giải quyết hồ sơ đề nghị xử lý hành chính nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng phải trả đi, trả lại nhiều lần. Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục, biểu mẫu, hồ sơ để việc chuyển hồ sơ đến đâu giải quyết dứt điểm đến đó.

Dưới góc độ tiếp cận của cơ quan xét xử, đồng chí Lê Anh Sơn, Phó Chánh án TAND huyện Thủy Nguyên thì cho rằng, hiện nay việc xác định tình trạng nghiện ma túy gặp không ít khó khăn, với những người được đề nghị xác định tình trạng nghiện thì pháp luật chưa có văn bản quy định người bị đề nghị xử lý hành chính có người bảo vệ quyền lợi cho mình trong quá trình các cơ quan chức năng lập hồ sơ. Bên cạnh đó, việc tống đạt quyết định khởi tố của Tòa án với các đối tượng nghiện ma túy cũng gặp không ít khó khăn.

Đồng chí Phó Chánh án TAND huyện Thủy Nguyên đề xuất cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính với đối tượng nghiện ma túy, đơn giản hóa quá trình lập hồ sơ, cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Một số đại biểu cũng đề nghị, đối với các đối tượng nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định và chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì cần xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm khác để giáo dục, cải tạo người cai nghiện ma túy, điều đó vừa mang tính nhân văn, nhân đạo lại góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trung tâm không có hàng rào

Đồng chí Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm giáo dục lao động – xã hội Hải Phòng cho biết, Trung tâm Gia Minh có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chữa trị cai nghiện; chăm sóc, hỗ trợ điều trị cho người nghiện nhiễm HIV/AIDS và quản lý người sau cai nghiện.

Trong những năm qua, trung tâm hoạt động trong điều kiện Chính phủ ban hành, triển khai môt số chính sách mới. Theo đó, Nhà nước khuyến khích mô hình cai nghiện tại cộng đồng; đẩy mạnh biện pháp điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và quy hoạch giảm dần cơ sở điều trị nghiện bắt buộc, tiến tới giảm tỷ lệ cai nghiện bắt buộc xuống còn 6 % vào năm 2020. Cộng với những bất cập về quy trình đưa người nghiện vào cai nghiện cắt buộc theo Nghị định 221 của Chính phủ nên thời gian qua, số lượng học viên của Trung tâm giảm mạnh.

Tuy nhiên, từ thực tế cai nghiện tại cộng đồng không hiệu quả; công tác tổ chức và quản lý điều trị thay thế bằng Methadone chưa khoa học, chưa chặt chẽ nên nhiều người đã tái nghiện.

Bức xúc bởi tác hại và hệ lụy nguy hiểm của tệ nghiện ma túy, đặc biệt là mất an toàn về tính mạng, sức khỏe và tài sản, nhiều gia đình không thể chờ đợi cơ chế đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc của Nhà nước đã bằng mọi cách đưa con em mình vào cai nghiện theo diện tự nguyện.

Theo thống kê tại trung tâm, từ tháng 10/2015 đến nay, số người đưa vào cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 của Chính phủ là 66, trong khi số người cai nghiện tự nguyện là 341; tỷ lệ sử dụng các chất gây nghiện thì sử dụng kép (heroin, Methadone, ma túy đá) là 15 %, heroin là 15 %, ma túy đá là 70 %. Điều này cho thấy, tính chất ngày càng phức tạp của đối tượng cai nghiện và xu hướng của tệ nghiện hiện nay.

Giám đốc Trung tâm giáo dục – lao động Hải Phòng nhấn mạnh, hầu hết đối tượng diện cai nghiện tự nguyện ở trung tâm đều thuộc diện nghiện nặng, phụ thuộc nặng nề vào ma túy, hoàn toàn không có động cơ cai nghiện, mà các gia đình không thể chịu nổi phải bằng mọi cách đưa vào trung tâm. Điều này càng khẳng định hình thức cai nghiện bắt buộc là rất cần thiết, là biện pháp nhân đạo, vì người nghiện không muốn từ bỏ ma túy, không nhận thức được lợi ích từ việc cai nghiện.

Học viên Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1986, thường trú tại Tô Hiệu, Lê Chân, TP. Hải Phòng tâm sự, bản thân đã cai nghiện nhiều lần tại trung tâm (lần thứ 3), và điều Huy nhận thấy đó là nghiện ma túy rất khó cai, khó bỏ, cần có một môi trường cai nghiện phục hồi tốt. Vì thế, Huy và gia đình quyết định lựa chọn hình thức cai nghiện tại các trung tâm.

Vào thời điểm 2014, Huy và gia đình có nghe tới Nghị định 221 và cũng tìm hiểu nhưng gặp khó khăn về mặt thủ tục, hồ sơ, mặt khác việc đi cai nghiện thì không muốn để chậm trễ nên gia đình Huy chỉ có một lựa chọn là đưa đi cai nghiện tự nguyện. Huy ở trung tâm đến nay đã được 20 tháng, em nhận thấy xung quanh mình còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện đi cai tự nguyện. Vì thế Huy thấy rằng Nghị định 221 là một chính sách nhân văn, nhân đạo của Nhà nước tạo điều kiện cho người đi cai nghiện làm lại cuộc đời.

Huy nhận thấy, nếu được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, mọi thủ tục hồ sơ được dễ dàng hơn sẽ giúp được cho nhiều người nghiện có cơ hội đi cai, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, Huy cũng nhận thấy không mấy người vào trung tâm tự nguyện, tự giác cai. Hầu như mọi người vào trung tâm một thời gian rồi mới dần ý thức được đi cai nghiện là việc làm hết sức cần thiết và dần tự giác hơn. Vì vậy, cũng cần có một nghị định bắt buộc người nghiện đi cai.

Huy mong muốn rằng các cấp, các ngành sẽ quan tâm hơn nữa đến những người nghiện như em, và cũng sớm tìm ra những giải pháp thiết thực để Nghị định 221 đi sâu vào cuộc sống.

Còn học viên Trần Văn Chiến, lớp ĐQLHV số 2, vào trung tâm ngày 01/9/2015 theo diện tự nguyện. Ngày 25/12/2015, Chiến được chuyển diện cai nghiện theo Nghị định số 221, thời gian là 18 tháng. Chiến cho biết khi chấp hành nghị định này em mới xác định cho mình một mốc thời gian lâu dài, em nghĩ như vậy sẽ tốt tốt với em hơn. Bởi vì, trải qua nhiều lần cai nghiện Chiến mới biết được rằng nếu chỉ trải qua quá trình cắt cơn không thôi thì chỉ sau một thời gian ngắn là em lại không thắng nổi sự thèm khát chất ma túy. Bản thân Chiến nhận thức được rằng chỉ có vào trung tâm em mới cách lý hoàn toàn với ma túy, ở đây mới có quy trình điều trị, học tập, lao động chứ ở ngoài thì chỉ có thể cắt cơn.

Chiến tâm sự, trong trung tâm không riêng bản thân em mà hầu hết các học viên ban đầu đều không tự nguyện đi cai mà vào trung tâm do gia đình động viên, thúc dục hoặc ép buộc, nhưng sau một thời gian điều trị và rèn luyện thì mọi người đều nhận thấy cần thiết phải đi cai nghiện, và cai nghiện thì phải có thời gian lâu dài. Mặc dù mới được triển khai nhưng Nghị định 221 trên thực tế đã giúp mọi người xác định được một một mốc thời gian cho mình, nhờ vậy em và mọi người cũng yên tâm cai nghiện và rèn luyện.

Chiến cũng mong rằng khi chính quyền xem xét Nghị định 221 thì ưu tiên nguyện vọng của những gia đình có khăn có người nghiện trước tiên, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện đi cai, mở ra một tương lai tươi sáng hơn phía trước.

Vào trung tâm các học viên cai nghiện được giáo dục, cảm hóa trong môi trường thân thiện, gần gũi, không gian trong lành, không có hàng rào cũng như cán bộ quản giáo hay công cụ hỗ trợ. Mọi hoạt động lao động, sinh hoạt đều được trung tâm tổ chức khoa học, đầm ấm. Sự nhiệt huyết, cảm thông sẻ chia của của các cán bộ tại trung tâm đã là nguồn cổ vũ, động viên gúp các học viên vượt qua cơn thèm thuốc, gắn bó các học viên lại với nhau như một gia đình thứ hai.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Lưu Xuân Sang, Viện trưởng VKSND huyện Thủy Nguyên khẳng định, ma túy vẫn ngày càng trở thành hiểm họa khôn lường rình rập mỗi gia đình và xã hội. Phòng chống ngăn chặn tệ nạn ma túy và các loại tội phạm liên quan đến ma túy là cuộc chiến đấu không khoan nhượng đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của các lực lượng chức năng. Nhưng trên hết là sức đề kháng của tất cả những ai có nguy cơ phải đối mặt với ma túy. Biện pháp đưa người cai nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong những biện pháp làm tăng sức đề kháng đó.

Qua đây cho thấy, Hội thảo không chỉ mang ý nghĩa góp phần nâng cao chất lượng công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà còn là một hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày quốc tế phòng, chống ma túy 26/6 hàng năm.

Ngay sau Hội thảo, các đại biểu đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật “Giai điệu yêu thương” với hơn 600 học viên của trung tâm nhân Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6.
Song Ngư