Nữ giám đốc ngân hàng ở TP HCM bị cáo buộc nhận ‘lót tay’ 25 tỷ
Ngày đăng : 04:26, 05/12/2017
Ngày 5/12, sau chín tháng trả hồ sơ điều tra lại, TAND TP HCM mở phiên xử bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành, quận 1) và 11 đồng phạm về các tội Tham ô tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa và nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong đó, 6 cấp dưới và cựu nhân viên nhà băng bị truy tố với vai trò đồng phạm của Oanh, có khung hình phạt lên đến tử hình.
Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, Oanh được bổ nhiệm làm giám đốc Agribank chi nhánh Bến Thành năm 2008. Trong thời gian đương chức, bà này đã sử dụng tên của 8 cá nhân lập hồ sơ khống vay 2.660 lượng vàng (47 tỷ đồng) để mua căn nhà trên đường Nguyễn Quang Khải, quận 1.
Sau đó, bà Oanh cho Agribank thuê lại với giá 5.800 USD mỗi tháng để mở Phòng giao dịch Viễn Đông. Đến tháng 4/2013, bà này nhận của nhà băng hơn 5,6 tỷ đồng tiền thuê nhà.
Để che giấu hành vi, Oanh chỉ đạo em rể Trương Thế Thanh (trưởng phòng tín dụng) lấy pháp nhân công ty của Huỳnh Ngọc Thạch (con rể Oanh) và một số doanh nghiệp khác tiếp tục vay vàng của Agribank. Giám đốc Oanh dùng số vàng này để đảo nợ khi khoản vay trước đến hạn. Đến thời điểm khởi tố vụ án, bà ta còn nợ 34 tỷ đồng.
Bị cáo Oanh và đồng phạm. Ảnh: Hải Duyên.
Ngoài ra, bà Oanh được cho là đã ký duyệt cho em rể vay 13 tỷ đồng để đầu tư bất động sản mà không có tài sản bảo đảm. Khi đến hạn, Thanh sử dụng tên của người thân tiếp tục vay để đáo nợ. Quá trình điều tra, ông này chết vì bệnh hiểm nghèo nên VKSND Tối cao đình chỉ điều tra.
Cơ quan điều tra còn cáo buộc bà Oanh đã nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng – giúp sức cho doanh nghiệp vay rồi chiếm đoạt hơn 5.600 cây vàng.
Năm 2009, Oanh quen ông Lê Văn Tính (55 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Kim Gia Thuận) qua giới thiệu. Ông này cho biết đang có nhiều dự án đầu tư bất động sản… đặt vấn đề vay vốn với Oanh.
Giám đốc Agribank chi nhánh Bến Thành biết hồ sơ của ông Tính không hợp lệ nhưng vẫn đồng ý cho vay với điều kiện “vay vàng nhưng nhận tiền”. Mỗi lượng khi quy đổi ra tiền sẽ thấp hơn giá thị trường 2 triệu đồng.
Bà Oanh ký duyệt cho ông Tính vay tổng cộng 4.350 cây vàng và 28 tỷ đồng (tương tương hơn 137 tỷ). Song thực tế, ông Tính chỉ nhận hơn 112 tỷ, số còn lại hơn 24,6 tỷ đồng Oanh chiếm hưởng.
Do không sử dụng vốn vay đúng mục đích, giám đốc Tính mất khả năng trả nợ. Oanh đã hướng dẫn ông này sử dụng các tài sản của hợp đồng cũ bảo đảm cho hợp đồng mới rồi chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục cho vay tiếp để đảo nợ.
Để vay được tiền, ông Tính dùng các pháp nhân khống do vợ con đứng tên khiến cả gia đình ông vướng vào vòng lao lý. Cho đến khi vụ án khởi tố, ông còn nợ Agribank 301 tỷ đồng.
Hồi tháng 3, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử. Oanh khai việc làm hồ sơ khống để vay vàng mua nhà trên đường Trần Quang Khải là do bị “áp lực về chỉ tiêu”. Giải thích về việc cho ông Tính vay số tiền lớn dù không đủ điều kiện, nữ giám đốc cho rằng vì tin tưởng ông này là người nhà của lãnh đạo ngân hàng Nhà nước.
Quá trình thẩm vấn, ông Tính cho rằng hoàn toàn không biết việc bị bà Oanh ăn chặn tiền chênh lệch khi quy đổi từ vàng sang tiền. Do vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo Vnexpress