Vụ VN Pharma: Huỷ toàn bộ bản án, điều tra lại
Ngày đăng : 09:24, 31/10/2017
Nhận định, HĐXX cho rằng đây là vụ án phức tạp được dư luận đặc biệt quan tâm, gây ảnh hưởng lớn đến ngành y tế, gây bức xúc trong nhân dân.
Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo cùng các chứng cứ khác có trong vụ án, HĐXX nhận định bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên TGĐ Công ty VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (nguyên GĐ Công ty TNHH thương mại và hàng hải quốc tế H&C) và các bị cáo khác về tội “buôn lậu” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án; có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội, từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện, gây dư luận bất bình trong nhân dân.
Hành vi của các bị cáo phải được xem xét và đánh giá toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác, đặc biệt là kết luận giám định lại để đảm bảo xác định đúng bản chất vụ án, tội danh, trên cơ sở đó mới có đường lối xử lý vụ án đúng pháp luật.
Các bị cáo đang nghe tuyên án
Bị cáo Hùng và Cường bị dẫn giải về trại giam sau khi toà tuyên án
Về tội danh
HĐXX nhận định để nhập khẩu được lô thuốc về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả bao gồm: Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Bộ Y tế Canada được hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Kết quả điều tra của Bộ Công an các giấy tờ này đều là giả.
Ý thức của các bị cáo từ khi thỏa thuận mua bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chỉ định trước tiền hoa hồng cho các bác sĩ… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính bất chấp hậu quả xảy ra.
Do đó hành vi của các bị cáo phải được xem xét đánh giá toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác, đặc biệt là kết luận giám định lại để đảm bảo xác định đúng bản chất vụ án, tội danh trên cơ sở đó mới có đường lối xử lý vụ án được đúng pháp luật.
Có cơ sở xác định lô thuốc H-Capita 500mg Capet là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xưứ, kiểm nghiệm. Quá trình điều tra, bị cáo Cường cũng thừa nhận không biết loại thuốc này sản xuất ở đâu. Vì vậy, về ý chí các bị cáo đã phạm tội buôn bán hàng giả bởi vì đã buôn bán tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người, làm giả bao bì, nhãn hiệu thuốc. Tuy nhiên, để có đủ căn cứ kết luận tội danh các bị cáo cần thiết cần thiết phải điều tra lại nên kháng nghị của VKS là phù hợp.
Ngoài hành vi trên, Hùng và Cường đã bàn bạc với nhau để xây dựng hồ sơ bán hàng, sử dụng con dấu giả để hoàn thiện hồ sơ nhập thuốc. Hùng còn chỉ đạo nhân viên ở VN Pharma sử dụng giấy tờ giả mạo để nhập 9300 hộp thuốc điều trị ung thư không rõ nguồn gốc; chỉ đạo nhân viên ghi lùi ngày trên hồ sơ nhập khẩu; thỏa thuận với Cường nâng khống giá thuốc. Các bị cáo đều biết sử dụng giấy tờ giả, con dấu giả để làm hồ sơ Cục Quản lý Dược nhập khẩu thuốc đã có dấu hiệu “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Cho nên cấp sơ thẩm không xử phạt Cường, Hùng và những người khác tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” là bỏ lọt tội phạm. Đối với các bị cáo chỉ bị xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu để làm hồ sơ xin nhập khẩu thuốc cũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Về trách nhiệm của ông Phan Xuân Thiện (Phó Tổng giám đốc VN Pharma), là người giới thiệu cho Hoàng Trúc Vy (nhân viên VN Pharma) thuê dược sĩ Phạm Văn Đông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc. Theo đó, ông Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và biết rõ con dấu Helix Canada là dấu giả đã có ở VN Pharma từ trước nhưng vẫn để mặc cho các bị cáo Hùng và cấp dưới thực hiện hành vi hợp thức hóa để tiêu thụ lô thuốc là hành vi có dấu hiệu che giấu, không tố giác tội phạm.
Theo HĐXX, hành vi sai phạm của bị cáo trong vụ án này bắt nguồn từ sự tắc trách của các cán bộ Cục quản lý Dược, Bộ Y tế.
Quá trình điều tra cho thấy, quy trình cấp phép của Cục quản lý dược có sai phạm. Tại phiên phúc thẩm, ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế thừa nhận quy trình cấp phép bắt buộc phải có trước khi cấp phép là phải truy xuất nguồn gốc thuốc. Tuy nhiên, căn cứ theo hồ sơ và tại toà phúc thẩm cho thấy Hội đồng thẩm định đã không làm điều này khi cấp phép là sai phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, trong hồ sơ thẩm định không ghi ngày, tháng, năm và có 3 chuyên gia không ký tên. Để xác định tính hợp pháp của hồ sơ thẩm định thì cần lấy lời khai của 3 chuyên gia này. Việc cán bộ Cục Quản lý dược nói rằng không cần thiết là không đúng với quy định nên cần phải làm rõ.
Theo HĐXX, Cục Quản lý dược không thể không biết đối tác Hồng Kông hết hạn hoạt động ở Việt Nam để cho qua và duyệt hồ sơ thẩm định là sai phạm nghiêm trọng.
Tại phiên phúc thẩm, Võ Mạnh Cường đưa ra chứng cứ mới là giấy phép hoạt động của công ty Helix Canada tại VN và Cường là đại diện ủy quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao đã có công văn trả lời công ty này là không có thật.
Những sai phạm của Cục Quản lý Dược
Theo HĐXX, để làm rõ tính khách quan thì cần phải làm rõ công ty Helix Canada là công ty nào và đại diện ủy quyền tại Việt Nam là như thế nào từ đó mới có biện pháp xử lý trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong việc cấp phép cho Helix Canada hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài các vấn đề đã nêu, HĐXX còn cho rằng cần làm rõ việc nhập 7 loại thuốc mà Cục Quản lý dược đã cấp phép trước đó.
Từ các sai phạm nghiêm trọng trên, HĐXX nhận định chính việc làm tắc trách của lãnh đạo Cục quản lý dược đã tạo điều kiện cho các bị cáo làm việc phi pháp, trái đạo đức, y đức và chuẩn mực xã hội khi các bị cáo kinh doanh các sản phẩm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh mà đặc biệt là người bệnh ung thư đang từng ngày, từng giờ giành lấy sự sống từ tay tử thần.
Về xử lý vật chứng
Theo HĐXX, tại tòa, Hùng khai chi 7,5 tỉ đồng cho công tác bán hàng, phát triển khách hàng, maketing… Tuy nhiên, từ những lời không thành khẩn này, tòa đã công bố lời khai một trình dược viên rằng sau khi so sánh mức chi hoa hồng của các hãng đối thủ, trình dược viên đề xuất chi hoa hồng cho bác sĩ và được ban giám đốc VN Pharma chấp nhận.
Ngoài ra, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo nhân viên chi 10.000 USD cho đối tác Hồng Kông. Ban đầu Hùng “nại” ra rằng do thấy đối tác gặp khó khăn về tài chính nên giúp số tiền này. Tuy nhiên hồ sơ thể hiện Hùng thuê pháp nhân công ty này để làm những chuyện phi pháp tại Việt Nam.
Vì vậy, theo HĐXX cần làm rõ khoản tiền 7,5 tỉ đồng là chi cho những lô thuốc nào (vì lô thuốc bị phát hiện chỉ có 5 tỉ đồng mà chi hoa hồng 7,5 tỉ đồng là không phù hợp) và điều tra làm rõ những người có liên quan trong việc chi 7,5 tỉ đồng hoa hồng.
Số tiền 7,5 tỉ đồng và 10.000 USD là tang vật vụ án tuy nhiên tòa sơ thẩm không tuyên tịch thu sung quỹ nhà nước, đây là một thiếu sót nghiêm trọng trong công tác xét xử.
Về 157 tỉ đồng cần làm rõ có phải là tiền thu lợi bất chính hay không thì cần phải điều tra làm rõ, nếu là tiền phi pháp thì cần tịch thu sung quỹ nhà nước.
Từ các nhận định này, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án.