Phiên tòa rút kinh nghiệm phải thể hiện văn hóa pháp lý nơi xét xử

Ngày đăng : 03:19, 11/04/2017

(Kiemsat.vn) - Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đã được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Vừa qua, TANDTC đã ban hành hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 hướng dẫn công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Yêu cầu đặt ra đối với phiên tòa rút kinh nghiệm

– Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tố tụng quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản pháp luật tố tụng nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ và nghiêm minh của pháp luật.

– Thể hiện được văn hóa pháp lý nơi xét xử, từ việc bố trí phòng xử án, trang phục của thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, cách xưng hô tại phiên tòa, vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng; đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật, thể hiện sự tôn trọng Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa và tôn trọng nội quy, trật tự phiên tòa; Nghị án phải đảm bảo đúng pháp luật, phán quyết của Hội đồng xét xử phải được quyết định theo đa số và phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các bên tranh tụng và những người tham gia tố tụng.

– Thực hiện một số yêu cầu khác tại phiên tòa: Việc điều hành phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa trong suốt quá trình từ khi khai mạc phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là việc điều hành tranh tụng, việc xét hỏi (hỏi) tại phiên tòa phải tuân theo đúng quy định của pháp luật tố tụng. Hội đồng xét xử phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa, lời khai của bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác. Chủ tọa điều hành tranh tụng tại phiên tòa, đặt những câu hỏi, xác định những vấn đề để các bên tranh luận với nhau, hướng việc tranh luận đi vào đúng những vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Hội đồng xét xử chủ động nêu vấn đề để các bên tranh luận, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Công tác phối hợp tổ chức

Trên cơ sở lựa chọn, đăng ký của các Thẩm phán và phê duyệt của tập thể lãnh đạo đơn vị về vụ án cần đưa ra xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm, các Thẩm phán xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa cụ thể. Tòa án cần thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và đề nghị Viện kiểm sát phối hợp thực hiện, nhằm đảm bảo việc xét xử đúng thời hạn, đủ thành phần, phiên tòa diễn ra nghiêm túc, đạt hiệu quả.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần chủ động trao đổi với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa các vấn đề liên quan đến việc tổ chức phiên tòa.

Đồng thời, tại Hướng dẫn Chánh án TANDTC cũng chỉ ra rõ các nội dung cần họp rút kinh nghiệm tại các phiên tòa rút kinh nghiệm. Cụ thể:

– Rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật (cả pháp luật về nội dung và pháp luật tố tụng) trong việc giải quyết, xét xử vụ án; về tính thuyết phục của bản án đã tuyên.

– Rút kinh nghiệm về việc điều hành phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trong suốt quá trình xét xử, từ khi khai mạc phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là kỹ năng điều hành tranh tụng, kỹ năng xét hỏi (hỏi) tại phiên tòa để nhận xét, đánh giá Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và các thành viên Hội đồng xét xử đã thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình tại phiên tòa hay chưa? Việc điều hành phiên tòa có tuân thủ đúng quy định pháp luật tố tụng hay không? Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác có được Hội đồng xét xử tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa hay không? Việc xét hỏi (hỏi) đã đầy đủ, khách quan, toàn diện chưa, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thế nào?

– Rút kinh nghiệm về kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý xảy ra tại phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử.

– Rút kinh nghiệm về công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên tòa; về tác phong, trang phục, lời lẽ, ứng xử, bản lĩnh nghề nghiệp của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và thành viên Hội đồng xét xử.

– Rút ra những bài học kinh nghiệm sau phiên tòa và đưa ra những kiến nghị, đề xuất để việc tổ chức các phiên tòa lần sau đạt chất lượng, hiệu quả hơn.

Ngân Hà (giới thiệu)