Quy định mới về công tác kiểm tra của Tòa án nhân dân
Ngày đăng : 12:07, 13/03/2017
Thẩm quyền kiểm tra và đối tượng kiểm tra
Theo đó, Chánh án TAND tối cao có thẩm quyền kiểm tra đối với các cục, vụ và tương đương thuộc TAND tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là TAND cấp tỉnh); TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (gọi tắt là TAND cấp huyện); Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương; Chánh án TAND cấp cao; Chánh án TAND cấp tỉnh; Chánh án TAND cấp huyện.
Trong phạm vi lãnh thổ, Chánh án TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có quyền kiểm tra đối với các đơn vị, cá nhân trực thuộc.
Người có thẩm quyền có thể kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất hoặc tự kiểm tra. Hình thức tự kiểm tra là đối tượng kiểm tra phải tự tiến hành kiểm tra và báo cáo bằng văn bản đến người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra.
Kiểm tra chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ xét xử
Việc kiểm tra được thực hiện đối với các lĩnh vực công tác sau đây:
Kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, của TAND, theo chỉ thị công tác của Chánh án TAND tối cao, kế hoạch công tác của TAND các cấp;
Kiểm tra về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ xét xử;
Kiểm tra công tác xây dựng ngành: Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ và xây dựng cơ quan, đơn vị; công tác tổ chức, cán bộ; công tác quản lý tài chính, tài sản công;
Kiểm tra công việc khác theo yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý.
Thông qua công tác kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những điểm mạnh, thuận lợi; những ưu điểm và thành tích công tác của cá nhân, đơn vị để khen thưởng kịp thời và nhân rộng trong TAND. Đồng thời nhằm phát hiện khó khăn, vướng mắc, thiếu sót, tồn tại hoặc sai phạm của cá nhân, đơn vị để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục hoặc xử lý kịp thời những sai phạm (nếu có).
Quyền khiếu nại của đối tượng kiểm tra
Đối tượng kiểm tra có quyền đề nghị với người có thẩm quyền quyết định kiểm tra thay đổi Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và thành viên của Đoàn kiểm tra, nếu có căn cứ cho rằng họ không vô tư, khách quan trong quá trình kiểm tra;
Khiếu nại với người có thẩm quyền quyết định kiểm tra về hành vi của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và các thành viên của Đoàn kiểm tra trong quá trình kiểm tra khi có căn cứ cho rằng hành vi đó trái pháp luật hoặc trái quy định của Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền; có ý kiến đối với Trưởng đoàn kiểm tra về dự thảo Kết luận kiểm tra; khiếu nại với Chánh án TAND cấp ra quyết định kiểm tra về Kết luận kiểm tra khi có căn cứ cho rằng kết luận đó không khách quan hoặc không đúng với quy định của pháp luật;
Đối tượng kiểm tra có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và các thành viên của Đoàn kiểm tra.
Song, đối tượng kiểm tra phải có nghĩa vụ chấp hành quyết định kiểm tra; cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của các thành viên Đoàn kiểm tra và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó; đồng thời, báo cáo, giải trình đầy đủ, trung thực những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra; chấp hành kết luận, kiến nghị của Đoàn kiểm tra và người quyết định kiểm tra, kể cả trong trường hợp đang khiếu nại nhưng chưa có kết quả giải quyết của người có thẩm quyền.
Xem toàn văn Quyết định tại đây.
Loan Bảo
Xem thêm>>>