Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137: Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Ngày đăng : 10:27, 16/10/2017
Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matviyenko và Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Kazakhstan Kassym Zhomart Tokayev và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin.
Thành viên chủ động, tích cực trong IPU
Việc tham dự các hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích sát sườn của Việt Nam, tham khảo quan điểm quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức.
Các hoạt động này góp phần thông tin quảng bá về Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đây cũng là nơi Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều vấn đề, nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Tháng 4/1979, Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Từ đó tới nay, cùng với khuynh hướng mở rộng dân chủ tại Liên minh Nghị viện thế giới, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm cùng Chủ tịch IPU Saber Chowdhury
Thông qua diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường. Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nhóm địa chính châu Á-Thái Bình Dương và nhóm ASEAN +3 trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (năm 2006, 2010 và năm 2016). Tháng 10/2007, Kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành-Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên minh Nghị viện thế giới.
Năm 2009, đại diện của Quốc hội Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới. Trên cương vị này, Quốc hội Việt Nam đã có điều kiện đóng góp trực tiếp và thiết thực hơn vào hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới; qua đó giới thiệu Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước. Đặc biệt, tháng 4/2015, Quốc hội Việt Nam đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Tháng 10/2016, tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 135 (IPU-135) diễn ra ở Thụy Sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã được Hội đồng Điều hành bầu làm thành viên Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện thế giới đại diện Nhóm châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2019. Vừa qua, Quốc hội cũng đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương về ứng phó với biến đổi khí hậu, hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5/2017.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 khẳng định sự chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương; tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam tại diễn đàn Liên minh Nghị viện thế giới, góp phần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích khu vực.
Tăng cường hợp tác Việt Nam-Kazakhstan
Từ ngày 16-18/10/2017, Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Kassym Zhomart Tokayev và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan Nurlan Nigmatulin. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là hoạt động trao đổi Đoàn cấp cao nhất giữa hai nước trong năm 2017, nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Kazakhstan nói chung, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Kazakhstan nói riêng. Hai nước phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế.
Thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên. Việc phát triển quan hệ giữa hai Đảng, Quốc hội hai nước là một phần quan trọng của việc mở rộng hợp tác song phương, khẳng định sẵn sàng làm sâu rộng thêm các tiếp xúc trong những lĩnh vực này, vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Kazakhstan. Việt Nam luôn quan tâm phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với Kazakhstan, một đối tác quan trọng tại khu vực Trung Á.
Kazakhstan là nước có diện tích lớn nhất khu vực Trung Á, dân số chỉ hơn 16,6 triệu người, nhưng lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 8 trên thế giới. Riêng vùng biển Caspi của Kazakhstan có trữ lượng 8 tỷ tấn dầu; đứng thứ 3 thế giới về trữ lượng crôm, thứ 2 về trữ lượng uran, thứ 4 về trữ lượng quặng, thiếc và thứ 8 về trữ lượng vàng, than. Đây là tiềm năng to lớn để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là lĩnh vực khai khoáng, dầu khí. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại giữa hai nước còn ở mức thấp. Việt Nam và Kazakhstan là thành viên Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016.
Để khai thác tiềm năng này, Việt Nam và Kazakhstan ký kết nhiều Hiệp định về kinh tế, thương mại, khuyến khích bảo hộ đầu tư và một số Bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác, trong đó có Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu khí Kazakhstan; hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, năng lượng. Hai bên tăng cường giao lưu văn hóa, tổ chức Những ngày Văn hóa của mỗi nước trên lãnh thổ của nhau (9/2012 và 6/2013). Tháng 8/2017 đã diễn ra Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Kazakhstan trong khuôn khổ EXPO 2017.
Cơ quan lập pháp hai nước duy trì quan hệ hợp tác trong khuôn khổ song phương và tại các diễn đàn nghị viện đa phương. Hai bên tiến hành trao đổi Đoàn cấp cao nhưng chưa thường xuyên. Năm 2013, Đoàn đại biểu Quốc hội đầu tiên của Việt Nam thăm Kazakhstan do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu. Năm 2015, Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan thăm Việt Nam và dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 ( IPU-132). Hai bên đã thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị để thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa nghị sỹ, Quốc hội hai nước.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Kazakhstan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này sẽ tiếp tục củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Kazakhstan; thúc đẩy quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng chính trị trong Quốc hội Kazakhstan, đặc biệt là Đảng Nur Otan và Đảng Cộng sản nhân dân Kazakhstan. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Kazakhstan trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, văn hóa giáo dục; trao đổi biện pháp hợp tác để khai thác tối đa hiệu quả do Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu mang lại; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện, Hạ viện Kazakhstan.
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội