Dư luận trái chiều trước việc Mỹ rút khỏi UNESCO

Ngày đăng : 08:21, 13/10/2017

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua thông báo nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Quyết định này một lần nữa đánh dấu mối quan hệ ngày càng xa cách của Mỹ với UNESCO – tổ chức mà chính Mỹ đã “góp tay” thành lập sau chiến tranh thế giới thứ 2, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận với giáo dục và đảm bảo tính tự do của ý tưởng sáng tạo. Động thái của Mỹ đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các bên liên quan.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quyết định rút khỏi UNESCO “phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel”.

Dư luận trái chiều trước việc Mỹ rút khỏi UNESCO

Trụ sở UNESCO tại Pháp (Ảnh minh họa/NY Times)

Theo thông báo, quyết định nói trên sẽ có hiệu lực vào ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, sau khi rút tư cách thành viên khỏi UNESCO, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục theo dõi các hoạt động của tổ chức này với tư cách là quốc gia “quan sát viên” nhằm đóng góp “quan điểm, tầm nhìn và chuyên môn” của Mỹ cho tổ chức.

Đại diện của Mỹ tại UNESCO, ông Chris Hegadorn, cho biết: “Có hai nguyên nhân chính khiến chúng tôi phải đưa ra quyết định rút lui: Thứ nhất đó là các khoản nợ quá hạn của UNESCO kể từ năm 2011 khi tổ chức công nhận Palestine là một nước thành viên. Thứ hai là sự chính trị hóa đã làm tổn hại công việc của UNESCO. Đây đã trở thành nơi chống lại Israel. Việc Mỹ rút khỏi UNESCO không liên quan đến tiến trình bầu cử tại tổ chức này và quyết định đó được đưa ra sau thời gian dài cân nhắc kỹ lưỡng”.

Các chuyên gia cho rằng, dù viện dẫn nhiều lý do, song sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO có lẽ chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel. UNESCO đã khiến Israel và chính quyền Tổng thống Donald Trump tức giận bởi một loạt các quyết định mà mới đây nhất là việc xếp thành cổ Hebron ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine.

Trước đó vào năm 2011, Mỹ từng cắt nguồn đóng góp lớn, chiếm tới 22% ngân sách UNESCO nhằm phản đối quyết định công nhận tư cách thành viên đầy đủ cho Palextin. Vào thời điểm đó, số tiền đóng góp của Mỹ chiếm tới 22% ngân sách của UNESCO.

Và cũng chỉ vài giờ sau khi Mỹ thông báo quyết định rút khỏi UNESCO, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bày tỏ sự hoan nghênh, cho đây là bước đi can đảm của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhà lãnh đạo Israel cũng thông báo đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao nước này chuẩn bị xúc tiến các thủ tục cần thiết để rời khỏi UNESCO.

Nói về sự “dứt áo ra đi” đột ngột của Mỹ, người đứng đầu UNESCO, bà Irina Bokova cho biết bà lấy làm tiếc trước động thái của Mỹ, nhấn mạnh đây là một mất mát với cả Mỹ và tổ chức. Tại thời điểm hiện tại, bà cho rằng hợp tác của Mỹ với UNESCO vô cùng quan trọng, khi thế giới đang phải đối mặt với khủng bố và vi phạm quyền tự do.

Theo bà Irina Bokova: “UNESCO đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đối thoại liên văn hóa về nhân quyền, tự do ngôn luận, xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho giáo dục. Tôi cho rằng chúng ta cần sự đoàn kết của tất cả các quốc gia thành viên, đặc biệt là Mỹ – một thành viên sáng lập và cũng là quốc gia có nhiều đóng góp quan trọng nhất đối với tất cả nỗ lực này”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, cho rằng điều này sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng mà UNESCO đang có kế hoạch thực hiện.

Bộ này hy vọng Tổng Giám đốc mới của UNESCO sẽ thực hiện mọi nỗ lực thay đổi tình hình hiện tại, đặc biệt tập trung vào vấn đề nhân quyền và thúc đẩy các nước thành viên tiếp tục hợp tác trong mọi lĩnh vực của UNESCO. Còn Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, chính phủ nước này luôn duy trì cam kết là thành viên của UNESCO và phối hợp với các nước thành viên khác trong thực thi sứ mệnh của tổ chức.

Đây là lần thứ 2 Mỹ rút khỏi UNESCO. Mỹ từng rút khỏi tổ chức này vào những năm 80 thế kỷ trước và chỉ trở lại vào năm 2003. Theo giới quan sát, quyết định rút khỏi UNESCO sẽ gây bất lợi đối với Mỹ bởi chính quyền Mỹ lâu này coi UNESCO là một lợi ích chiến lược, là nơi truyền bá các giá trị tinh thần. Việc rút khỏi tổ chức này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ tại LHQ./.

V.O.V