Thi hành án dân sự trước yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế
Ngày đăng : 08:01, 07/10/2017
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) trao Cờ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc
tại Hội nghị triển khai công tác THADS 2016.
Nghị quyết Trung ương V khóa XII và những yêu cầu đặt ra cho THADS
Với tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh ngày càng cao, phạm vi hoạt động rộng và đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và vùng, miền, kinh tế tư nhân đang đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nghị quyết Trung ương V khóa XII vừa qua khẳng định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là một yêu cầu khách quan, cấp thiết và lâu dài. Đây cũng chính là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Để phát triển sản xuất kinh doanh, mỗi nền kinh tế phải tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định và có tính tin cậy cao. Trong môi trường đó, ổn định xã hội là điều kiện tiên quyết, có tính chất quyết định để có thể triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phát triển kinh tế khác. Nhà nước phải bảo đảm thượng tôn pháp luật, các nguyên tắc pháp quyền, thúc đẩy đồng thuận xã hội, phòng chống tội phạm hiệu quả, xét xử công bằng các tranh chấp và thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nói cách khác, Nhà nước phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng ổn định vững chắc để phát triển các quan hệ kinh tế.
Phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu Nhà nước khẩn trương hoàn thiện thể chế bảo vệ các nhà đầu tư, trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Các quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư phải được tôn trọng và bảo đảm hiệu lực thực thi. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế và dân sự. Các quy định về đăng ký và giao dịch tài sản, nhất là bất động sản, phải tiếp tục được phát triển theo hướng minh bạch, liên thông, dễ tiếp cận, bảo đảm cho các quyền tài sản được giao dịch thông suốt, không rơi vào trạng thái ách tắc, trì trệ. Các dịch vụ hành chính công phải được hiện đại hóa để tiết kiệm thời gian, chi phí, không tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp.
Để kiến tạo môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển, Nhà nước cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, phải tập trung giải phóng những nguồn lực kinh tế “mất giá trị tạm thời” do bị kê biên, phong tỏa, “đóng băng” trong các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại mà hàng năm trị giá lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đồng thời, phải chú trọng đẩy mạnh xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng chảy tài chính phục vụ phát triển kinh tế.
Trong đời sống kinh doanh, công cụ quan trọng để các nhà đầu tư tiến hành các giao dịch phục vụ hoạt động sản xuất là hợp đồng. Cùng với đó là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu như cầm cố, thế chấp… Hoàn thiện và bảo đảm cơ chế thực thi nghiêm minh, có hiệu quả pháp luật về hợp đồng cùng với việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp để bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh. Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm khi đến làm ăn tại mỗi quốc gia là hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian và chi phí để có thể thu hồi thành công tài sản, đồng vốn của họ.
Theo Ngân hàng thế giới, cùng với các yếu tố khác như khởi sự kinh doanh, tín dụng, xây dựng, đăng ký sở hữu, thuế, bảo hiểm, điện năng, cấp thoát nước, thông quan hàng hóa thì hiệu lực thi hành bản án là một tiêu chí hết sức quan trọng cho sự tín nhiệm của mỗi nền kinh tế. “Công lý chậm trễ là công lý bất công”. Một nền kinh tế có hệ thống tư pháp hiệu lực với các thiết chế đủ năng lực bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng sẽ bảo vệ các quyền tài sản, thúc đẩy mạnh mẽ các thị trường tín dụng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tương tự, một cơ chế phá sản hiệu quả, nhanh và tiết kiệm sẽ giúp tái phân phối các nguồn lực, rút ngắn thời gian thu hồi tài sản, tiền vốn và sớm đưa các nhà đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường.
Nỗ lực quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương V khóa XII
Trước yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nghị quyết Trung ương V khóa XII đã ghi nhận và khẳng định THADS là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Dưới sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, 10 tháng năm 2017, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 485 nghìn việc, giải phóng được gần 33.5 nghìn tỷ đồng, trong đó thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng là trên 21 nghìn tỷ đồng, việc thu hồi cho ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng tiếp tục được tập trung chỉ đạo, qua đó trực tiếp góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính nghiêm minh pháp luật, trực tiếp giải phóng các nguồn lực kinh tế và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4, các cơ quan Thi hành án dân sự đang nỗ lực rút ngắn thời gian thi hành bản án thông qua việc tinh gọn thủ tục thi hành án, tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng khâu, từng bước của quá trình thi hành án như xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, cưỡng chế, định giá, đấu giá. Các cơ quan Thi hành án dân sự cũng đặc biệt chú trọng công tác hòa giải, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, kịp thời định hướng dư luận xã hội có thái độ nghiêm khắc đối với những trường hợp trốn tránh, chây ỳ, chống đối, không chấp hành bản án.
Nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, các thủ tục hành chính trong hoạt động THADS cũng như thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được công bố, đăng tải đầy đủ trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS toàn quốc. Từ tháng 6/2017, các cơ quan Thi hành án dân sự toàn quốc đã thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến mức độ 2 và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Các cơ quan Thi hành án dân sự cũng đã thiết lập và phát triển “Đường dây nóng” để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo. Do công khai, minh bạch các thông tin và kịp thời nắm bắt, xử lý kịp thời các vướng mắc nên 10 tháng năm 2017, số vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thi hành án đã giảm đáng kể, 334 việc, so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó, những lời ghi nhận, cảm ơn chân thành của người dân đến công chức cơ quan Thi hành án dân sự cũng ngày càng nhiều hơn như Thư cảm ơn của bà Nguyễn Thị Vân ở Hoài Đức, Hà Nội, của ông Lò Văn Thịnh ở Nghĩa Lộ, Yên Bái…
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa XII, với những kết quả ban đầu đã đạt được, trong thời gian tới, cơ quan Thi hành án dân sự các địa phương sẽ tiếp tục tập trung tổ chức quán triệt, thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, nhận thức sâu sắc hơn vai trò và trách nhiệm của hoạt động THADS, từ đó kịp thời đề xuất những giải pháp thiết thực, cụ thể nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động THADS trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nguyễn Xuân Tùng
Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp
Theo Pháp luật Việt Nam