Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc ngày 23/10/2017
Ngày đăng : 07:35, 19/09/2017
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Báo cáo một số vấn đề về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV.Dự kiến nội dung kỳ họp được điều chỉnh như sau: Rút 3 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình (Dự án Luật Hành chính công, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Luật Thuế bảo vệ môi trường) để tiếp tục hoàn thiện.
Như vậy, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 dự án luật, thay vì 12 dự án luật như dự kiến ban đầu. Đồng thời, bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Về các nội dung gửi Đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu bổ sung thêm các nội dung: Kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay; các sự cố liên quan đến tàu vỏ sắt, giải pháp khắc phục.
Căn cứ kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII tới đây, sau khi xem xét tình hình chuẩn bị dự án tại phiên họp thứ 15, UBTVQH sẽ quyết định việc bổ sung nội dung Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào dự kiến chương trình kỳ họp, chưa bố trí trong dự kiến chương trình gửi xin ý kiến Đại biểu Quốc hội .
Về đề xuất rút dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình kỳ họp cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật này, xác nhận với lý lẽ do Dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, trong khi thời gian từ nay đến khai mạc kỳ họp không nhiều, chỉ còn hơn một tháng, e rằng cơ quan soạn thảo sẽ chưa chỉnh lý được căn cơ, nên cơ quan trình và cơ quan thẩm tra thống nhất lùi dự án Luật này đến Kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2018).
UBTVQH sẽ quyết định việc bổ sung nội dung Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào dự kiến chương trình kỳ họp
Cho ý kiến về dự kiến chương trình Kỳ họp,Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, nội dung thảo luận về kinh tế – xã hội thường có số ĐBQH đăng ký rất đông, do vậy, nếu cần thiết có thể tăng thêm thời gian cho hoạt động này, bảo đảm đại biểu có thêm cơ hội phát biểu.
Tán thành với ý kiến của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong chương trình không nên quy định “cứng” cứ đúng giờ là nghỉ mà trong phiên trù bị nên xin ý kiến QH theo hướng, khi thảo luận các dự án luật, hay vấn đề kinh tế – xã hội, nếu có nhiều đại biểu đăng ký, có thể bố trí kèo dài thêm thời gian phiên họp. Ngoài ra, các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo thẩm tra trình bày trước QH cũng phải thể hiện quan điểm, chính kiến rõ ràng, làm cơ sở để các ĐBQH so sánh, cân nhắc.
Sơn Tùng