Nữ phi công F-16 được giao tấn công cảm tử máy bay khủng bố 11/9
Ngày đăng : 03:23, 13/09/2017
Phi công Heather “Lucky” Penney. Ảnh: Washington Post.
Trưa ngày 11/9/2001, Heather “Lucky” Penney ở trên đường băng của Căn cứ không quân Andrews và sẵn sàng điều khiển tiêm kích F-16 với ý định đâm hạ chuyến bay 93 của hãng United Airlines – máy bay thứ tư bị không tặc khống chế, theo Washington Post.
Penney khi đó là nữ phi công F-16 đầu tiên của Phi đội Chiến đấu 121 thuộc Vệ binh Quốc gia Phòng không D.C. Phi đội vừa hoàn thành hai tuần huấn luyện trên không tại Nevada. Khi vụ khủng bố xảy ra, không hề có máy bay vũ trang nào tại căn cứ. Các tiêm kích vẫn còn trang bị đạn giả từ nhiệm vụ đào tạo. (Sau vụ 11/9, họ đã bố trí hai máy bay được vũ trang đầy đủ, sẵn sàng xuất kích mọi thời điểm).
Nhóm không tặc của tổ chức khủng bố al-Qaeda đã cướp quyền kiểm soát 4 chiếc máy bay. Chúng lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York. Phi cơ thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc tại Virginia.
Khi có thông tin rằng máy bay thứ tư có thể đang trên đường đến Washington, đại tá Marc Sasseville đã yêu cầu Penney cùng mình triển khai máy bay để ngăn chặn nó. Tiêm kích của họ không hề mang theo đạn thật hay tên lửa.
“Lucky, cô đi với tôi”, đại tá Marc Sasseville hô lên.
“Tôi sẽ đâm vào buồng lái”, Sasseville nói.
“Tôi sẽ đâm vào đuôi”, Penny trả lời không do dự.
“Chúng tôi lao vào máy bay”, Penney nhớ lại. “Tôi sẽ là phi công tấn công cảm tử”.
Họ bay qua Lầu Năm góc đang cháy, hướng về phía tây bắc với tốc độ hơn 650 km/h ở độ cao thấp.
“Chúng tôi không được huấn luyện để đâm hạ máy bay chở khách”, Sasseville nói. “Nếu đâm vào động cơ, máy bay vẫn có thể lượn đi. Lúc đó tôi nghĩ phải nhắm vào buồng lái hoặc cánh”.
Ông cũng nghĩ về việc liệu có thể sử dụng ghế phóng ngay trước khi va chạm hay không. “Tôi hy vọng có thể làm đồng thời cả hai việc”, ông nói.
Penney thì lo lắng rằng nếu cô dùng ghế phóng để thoát ra trước, tiêm kích sẽ trượt mục tiêu. Đối với cô, lo lắng thất bại còn tệ hơn lo lắng về cái chết.
Nhưng cuối cùng Penney không phải chết. Cô không phải đâm hạ một chiếc máy bay chở đầy hành khách. Các hành khách đã tự làm điều đó.
Máy bay United 93 rơi xuống Pennsylvania. Các con tin đã chống cự những tên không tặc và làm điều mà hai phi công chiến đấu đã sẵn sàng làm: hy sinh để ngăn chặn máy bay gây ra thiệt hại nặng nề dưới mặt đất.
Chiếc máy bay thứ tư rơi xuống Pennsylvania sau khi con tin chống cự không tặc. Ảnh: alchetron.
“Những hành khách trên chuyến bay United Airlines 93 là những anh hùng thật sự, họ đã sẵn sàng hy sinh bản thân mình”, Penney nói. “Tôi chỉ là một nhân chứng lịch sử”.
Cô và Sasseville sau đó chuyển nhiệm vụ sang hộ tống tổng thống và rà soát không phận.
Bố của Penney là phi công của hãng United Airlines. Penney khi đó không biết liệu bố mình có phải là người điều khiển United Airlines 93 hay không.
“Nghe có vẻ nhẫn tâm nhưng thẳng thắn mà nói, tôi không có cách nào để biết và việc đó cũng không thay đổi điều tôi cần phải làm”, Penney nói. Thực tế, bố cô không có mặt trên chuyến bay định mệnh.
Penney hiện là một giám đốc trong chương trình F-35 của Mỹ. Dù không còn là phi công chiến đấu, cô vẫn thích bay lượn và thường nhớ lại chuyến xuất kích đặc biệt cách đây hơn một thập kỷ.
“Lúc đó tôi thực sự tin rằng đây sẽ là lần cuối cùng tôi cất cánh”, cô nói.
Phương Vũ/vnex.press