Cách mạng Tháng Tám và Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Ngày đăng : 08:51, 19/08/2017
Cuộc mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH) đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh một nước Việt Nam mới, khai sinh Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông – Nam Á. Từ đây, vấn đề tổ chức và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng nhà nước kiểu mới được đặt ra ngay để tổ chức, động viên nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được và xây dựng xã hội mới.
72 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam DCCH – nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam, đã thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước kiểu mới – Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước đã tổ chức, quản lý, điều hành đất nước, bảo đảm để nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của một đất nước vừa giành được độc lập, xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, Nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành đất nước, bảo đảm cho nhân dân ta “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, và kết thúc bằng Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước biết bao khó khăn, gian khổ, một lần nữa dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng, đã đoàn kết thành một khối, tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, xây dựng, bảo vệ miền bắc xã hội chủ nghĩa, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và đi đến ngày thắng lợi bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, toàn dân Việt Nam tiếp tục phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, và tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Nhà nước đã tổ chức, quản lý, điều hành đất nước, bảo đảm cho nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và tiến hành công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Ðể thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước kiểu mới – nhà nước của dân, do dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ quá độ lên CNXH, hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và CNXH, cùng với sự đổi mới hệ thống chính trị, Nhà nước ta tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, nền hành chính được cải cách một bước. Quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống được phát huy, một số chính sách, quy chế bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, trước hết là dân chủ ở cơ sở, bước đầu được mở rộng, thực hiện có hiệu quả. Ðáng chú ý là hệ thống pháp luật được đổi mới, bổ sung và tăng cường, chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được nâng cao. Phương thức quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước sâu sát, thực tế hơn, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và bước đầu đạt kết quả tích cực. Chất lượng hoạt động của ngành tư pháp, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân có tiến bộ. Việc đổi mới Nhà nước đúng định hướng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lành mạnh hóa các hoạt động văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định để đất nước tiếp tục phát triển.
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, cũng cần phải nói rằng Nhà nước ta hiện nay cũng đang bộc lộ một số bất cập, hạn chế, thể hiện như: Tổ chức bộ máy cồng kềnh, trùng lắp chức năng với nhiều tầng nấc trung gian, thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế – xã hội, làm giảm động lực phát triển đất nước; cải cách nền hành chính tiến hành chậm, thiếu đồng bộ; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn yếu kém; ở nhiều địa phương, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm nghiêm trọng; hệ thống chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện kém về đạo đức, phẩm chất, yếu về năng lực, chuyên môn; tình trạng lãng phí, quan liêu, nạn tham nhũng trong bộ máy Nhà nước là một nguy cơ lớn, đe dọa sự sống còn của chế độ.
Trong khi đó, sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang cần được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu cả về kinh tế, văn hóa… Sự nghiệp vĩ đại đó đặt ra yêu cầu phải phát huy những mặt tích cực, khắc phục những bất cập, hạn chế, yếu kém nhằm phát huy hơn nữa vai trò, năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước đối với xã hội. Ðể xây dựng nhà nước kiểu mới – Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong điều kiện hiện nay cần đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cải cách hành chính trong bộ máy Nhà nước. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nhất là về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là “công bộc” của nhân dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước cần gắn chặt với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, nhất là trong bộ máy Nhà nước, trong cán bộ, đảng viên. Vì bất luận trong hoàn cảnh nào thì việc làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc củng cố niềm tin của nhân dân vào Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội. Trong thời kỳ cách mạng mới, dù khó khăn, thách thức như thế nào thì chúng ta cũng phải quyết tâm vượt qua. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng cần tiếp tục xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng cao, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề bức xúc, nổi cộm; xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp và “hợp lòng dân”, nhằm huy động sức mạnh của nhân dân, trong cả nước và đồng bào ta đang sống và làm việc ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN VĨNH THẮNG/Báo nhân dân