Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về hoạt động của ngành KSND

Ngày đăng : 12:45, 20/06/2017

(Kiemsat.vn) - Trong bài viết về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đăng trên Tập “Kinh nghiệm công tác kiểm sát” số 11/1962 (ấn phẩm tiền thân của Tạp chí Kiểm sát), đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên đã viết: ...

“Pháp luật rõ ràng là một công cụ rất quan trọng mà Đảng ta dùng để nâng cao, giác ngộ tư tưởng và phẩm chất đạo đức xã hội chủ nghĩa, cho nên công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật là một mặt không thể thiếu được của công tác giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Ý nghĩa và tác dụng chung nói trên, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn là một biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa việc phạm pháp xẩy ra, làm cho mọi người tự giác để duy trì bảo vệ lấy trật tự xã hội và lợi ích tập thể của mình. Khi ý thức pháp chế trong nhân dân được nâng cao thì nhân dân sẽ tham gia ngày càng tích cực vào việc xây dựng pháp luật, thấy rõ luật pháp Nhà nước chính là do mình làm ra để bảo vệ quyền lợi cho mình, do đó, việc tuân thủ kỷ luật xã hội và pháp luật Nhà nước sẽ mất dần tính chất gò bó và trở thành một thói quen, một tập quán, một nhu cầu của tất cả mọi người. Đạt tới mức độ đó thì mọi quan hệ xã hội giữa Nhà nước với nhân dân, giữa cán bộ và nhân dân, giữa nhân dân với nhau sẽ không còn có xích mích, va chạm, cuộc sống trong xã hội sẽ ngày càng lành mạnh, thoải mái tươi vui và đầy hạnh phúc.

Tóm lại, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân là một công tác rất quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện tại…, ngành ta phải góp phần tích cực của nó trong việc thực hiện nhiệm vụ lớn lao đó…”.(1)

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND

phát biểu  tại Hội nghị Cộng tác viên TCKS năm 2017

Từ những năm đầu thành lập ngành và cho đến nay, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần để ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong những năm gần đây, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 23/8/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành KSND, Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền đã ban hành các Kế hoạch về trọng tâm công tác tuyên truyền; tập trung vào các nội dung trọng tâm: Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng về cải cách tư pháp; các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác của VKSND và các cơ quan tư pháp; chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao về định hướng, chủ trương công tác kiểm sát hàng năm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; việc thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức VKSND năm 2014; các Luật, Bộ luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10, nhất là các quy định mới, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKSND, của các chức danh tư pháp trong ngành KSND và các vấn đề liên quan…

Truyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa

Bám sát những nhiệm vụ trọng tâm nói trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành KSND đã được các đơn vị trong toàn ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận:

Một là, công tác tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, cụ thể

Hàng năm, ngay sau khi kế hoạch trọng tâm công tác tuyên truyền được ban hành, Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền đã kịp thời phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm cho các cơ quan báo chí của ngành, các đơn vị, VKSND địa phương; tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí cho các cộng tác viên ở các khu vực.

Năm 2016, Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền đã giao cho Tạp chí Kiểm sát làm đầu mối phối hợp với các đơn vị xây dựng Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giai đoạn 2017 – 2021”, được các cơ quan hữu quan và Hội đồng nghiệm thu của VKSND tối cao đánh giá cao.

Thường trực Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền đã kịp thời tham mưu tổ chức rà soát, trao đổi, đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương tăng cường phối hợp tuyên truyền; đã mở rộng mối quan hệ với hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền về hoạt động của ngành.

Hai là, các cơ quan báo chí chuyên trách của ngành đã thực hiện tốt vai trò làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền

Các cơ quan báo chí chuyên trách của ngành tập trung đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền. Trên các ấn phẩm in, ấn phẩm điện tử của Tạp chí Kiểm sát, báo Bảo vệ pháp luật và các Trang thông tin điện tử của các đơn vị trong ngành; mở thêm nhiều chuyên mục mới với nội dung phong phú, thông tin cập nhật, ngày càng nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, thu hút sự quan tâm chú ý của độc giả, kịp thời phản ánh các chủ trương công tác, sự chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu thông tin về hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật, nhất là các nội dung mới có liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKS; tuyên truyền về các mặt hoạt động của ngành…

Các chương trình Truyền hình KSND đã bám sát các sự kiện, hoạt động nổi bật của các đơn vị trong toàn ngành, sản xuất và phát sóng nhiều tin, phóng sự, phim tài liệu, chuyên đề, đáng chú ý là các chương trình chuyên đề “Bảo vệ pháp luật” được đông đảo khán giả truyền hình trong và ngoài ngành quan tâm theo dõi, đánh giá cao, tạo được hiệu ứng tốt cho người xem. Truyền hình KSND ngày càng khẳng định vai trò là một kênh tuyên truyền hiệu quả, giúp người dân hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, vị thế của Viện kiểm sát, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.

Các đơn vị trực trong toàn ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí cung cấp thông tin về kết quả công tác, giúp các cơ quan báo chí có thêm thông tin, phản ánh trung thực, khách quan, góp phần định hướng và tạo dư luận xã hội ủng hộ hoạt động của ngành KSND…

VKSND phối hợp với TAND tổ chức phiên tòa xét xử lưu động 

Ba là, phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ tuyên truyền

Tổ tuyên truyền của VKSQS Trung ương, của VKSND các tỉnh, thành phố được thành lập từ năm 2012, tiếp tục được củng cố, kiện toàn, đã làm tốt vai trò tham mưu cho Lãnh đạo Viện, Thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động tuyên truyền theo chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND. Nhiều đơn vị xác định kết quả công tác tuyên truyền là một chỉ tiêu để đánh giá công tác thi đua khen thưởng…, vì vậy, công tác tuyên truyền của VKS các cấp được tăng cường và hiệu quả hơn.

Các Trang thông tin điện tử của các đơn vị trong toàn ngành hoạt động có hiệu quả tốt, phản ánh kịp thời các mặt hoạt động của đơn vị, phổ biến văn bản mới, quy định có liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKS; là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ công tác kiểm sát; hình thức có nhiều đổi mới, hấp dẫn, được nhiều bạn đọc truy cập.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt, lồng ghép trong nhiều hoạt động nghiệp vụ, nhất là thông qua hoạt động thực hành quyền công tố tại các phiên tòa xét xử lưu động, qua kiểm sát trực tiếp tại các Ủy ban nhân dân xã, phường về việc quản lý người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, qua công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu tố và các hoạt động khác có tiếp xúc với người dân, qua các hội nghị sơ kết, tổng kết, các hội thảo, tọa đàm về nghiệp vụ và các hoạt động trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện…
Nhiều VKSND tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, kỹ năng chụp ảnh, viết tin bài cho thành viên Tổ tuyên truyền và các cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác tuyên truyền của ngành KSND năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 còn có một số hạn chế như: Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tới người dân chưa được nhiều, chưa thường xuyên, phương thức tuyên truyền chưa phong phú, hình thức thể hiện chưa thực sự hấp dẫn, quan hệ phối hợp trong tuyên truyền có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành KSND, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt những nội dung trọng tâm sau:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 23/8/2012 của Viện trưởng VKSNDTC về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành KSND. Tập trung tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức VKSND năm 2014, các đạo luật mới về tư pháp và văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền sâu, rộng hơn về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra VKSND tối cao; vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để làm nổi bật hình ảnh của người cán bộ, Kiểm sát viên; chú trọng thông tin về tổng kết thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền về kết quả, kinh nghiệm, kỹ năng, biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của các đơn vị trong toàn ngành theo phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả”. Tuyên truyền về phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua hoạt động nghiệp vụ (phiên tòa xét xử lưu động; kiểm sát trực tiếp giam giữ, cải tạo; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo…). Tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan, cơ quan truyền thông địa phương để thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo kế hoạch của ngành và phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương thông qua việc xây dựng, ký kết các thỏa thuận với các ngành, cơ quan báo chí, các đơn vị để triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp và hiệu quả. Phối hợp cung cấp tư liệu, tài liệu để phục vụ xây dựng và phát sóng các chương trình truyền hình KSND. Nâng cao chất lượng biên tập và quản trị Trang thông tin điện tử để phát huy hiệu quả tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của VKSND và các mặt hoạt động của các đơn vị; là diễn đàn để cán bộ, Kiểm sát viên trao đổi, học tập nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nghiệp vụ./.

(1) Trích bài viết của Cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đăng trên “Kinh nghiệm công tác kiểm sát số 11/1962”.

Mai Nga – Hương Nhung