Dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ bao giờ mới kết thúc?
Ngày đăng : 06:09, 16/06/2017
Đề xuất bỏ biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé – Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Kiên Giang chất vấn về việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: Bỏ biên chế giáo viên mới chỉ là đề xuất của Bộ Giáo dục
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho biết đây là một nghiên cứu bỏ biên chế và ký HĐ với viên chức để tự chủ, nâng cao chất lượng dịch vụ công… nhưng nó liên quan đến việc phải xem xét các văn bản pháp luật như: Luật công chức, Luật Lao động… nên không thể ngay lập tức triển khai. Bên cạnh đó cần lưu ý đặc biệt đến trường hợp giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vì vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ. Phó Thủ tướng khẳng định đây mới chỉ là một ý kiến đề xuất của Bộ Giáo dục. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có xây dựng lại bộ máy công chức, viên chức. Dự kiến tại Hội nghị Trung ương VI cuối năm 2017 thì Chính phủ có thể sẽ xem xét và trình bày đề xuất này.
Quy hoạch miền Nam và Cao tốc Trung Lương
Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đồng Tháp, đại biểu Kim Bé – Kiên Giang lo lắng trước tình hình quy hoạch miền Nam rời rạc, liên kết vùng kém, ảnh hưởng khí hậu nghiêm trọng, sạt lở, giao thông không phát triển khiến vựa lúa của cả nước kém phát triển.
Đại biểu Phạm Văn Hoà – Đồng Tháp lo lắng với vấn đề quy hoạch Miền Nam
Phó Thủ tướng cho biết kết cấu hạ tầng đồng bằng Sông Cửu Long là trọng điểm của cả nước nhất là nông sản, lúa … Mật độ vận tải hàng hoá của khu vực này cũng thuộc diện lớn nhất nước. Giai đoạn 2011 – 2015, Nhà nước đã đầu tư hạ tầng ở khu vực này khoảng 58.800 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức đầu tư cả nước; tuy nhiên hiện đang có 26 dự án dở dang với tổng vốn lên đến 90.000 tỷ đồng. “Nhà nước có quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu để khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động”.
Ông cho biết, Chính phủ sẽ rà soát lại số dự án dở dang, riêng với dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, lãnh đạo Chính phủ thừa nhận có sự yếu kém trong công tác tham mưu, làm kìm hãm các dự án khác trong vùng. “Việc khó khăn là do thu xếp vốn của Bộ Giao thông, tới đây sẽ khắc phục, cụ thể như đẩy nhanh tiến độ thực hiện đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ”, Phó thủ tướng nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể quan ngại “không biết dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ bao giờ mới kết thúc“. Ông cho rằng Trung Lương đến Cần Thơ có mật độ xe cao tới 50,000 lượt xe ô tô/ ngày, ùn tắc lớn, đi từ Cần Thơ lên TP HCM có 150 km mà mất tới 3 giờ. Năm 2009 khởi công với mục tiêu là 2012 phải hoàn thành nhưng cách làm như hiện nay là giao cho doanh nghiệp thu xếp vốn. Làm như vậy thì không biết khi nào mới xong? 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cộng thêm dân cư thành phố Hồ Chí Minh là trên 32 triệu dân mà mới chỉ có 40 km đường cao tốc. “Tôi đề nghị không làm cách này nữa, Chính phủ nên hỗ trợ một phần kinh phí và doanh nghiệp cùng làm“, ông Thể hiến kế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc lại một cách ngắn gọn, đủ ý: “18 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long mà chỉ có 40km cao tốc là chưa tương xứng. Ý của đại biểu Nguyễn Văn Thể là đề xuất không chờ BOT nữa mà là Chính phủ lo một phần vốn, địa phương cùng doanh nghiệp cùng nhau làm”.
Vụ sản xuất phân bón giả số lượng lớn ở Đồng Nai
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận đề nghị xem xét trách nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai trong vụ sản xuất phân bón giả công khai, số lượng lớn tại Công ty Thuận Phong.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Ninh Thuận đề nghị xem xét trách nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai
Trả lời về việc này, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết 2015 các cơ quan chức năng Trung ương phối hợp với công an Đồng Nai phát hiện ra Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất phân bón giả với số lượng rất lớn. Tuy nhiên, qua giám định và xin ý kiến của các bộ ngành, Công an đã đình chỉ vụ án và VKSND tỉnh đã ra phê chuẩn.
Dư luận khi đó không đồng tình và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là Phó Thủ tướng) đã yêu cầu làm rõ vụ việc. Tiếp nhận vụ việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu tiếp tục trưng cầu ý kiến các Bộ, qua đó xác định 9 chất chính trong phân bón là không đúng và ra kết luận là phân bón giả. Hiện tại, Bộ Công an đang quyết liệt chỉ đạo vụ việc và xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan, nếu có, và sẽ xử lý nghiêm minh.
Sơn Tùng