Sự kiện – vấn đề nổi bật trong tuần (từ 5/6 – 9/6)

Ngày đăng : 08:39, 10/06/2017

(Kiemsat.vn) - Thành lập Phòng Điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng sẽ thành lập 8 Đoàn công tác, giám sát 20 địa phương trong năm 2017; Nhật Bản ký các hợp đồng trị giá 22 tỷ USD... là những tin tức, sự kiện đáng chú ý tuần qua.

1. Thành lập Phòng Điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên

Chiều ngày 5/6, tại Yên Bái, đã diễn ra Lễ công bố quyết định thành lập Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc (phòng 8) và trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng do Cơ quan Điều tra phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ VKSNDTC tổ chức.

Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Phòng 8) thuộc Cơ quan Điều tra VKSNDTC có phạm vi hoạt động bao gồm 9 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, trụ sở đặt tại tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC dự và trao các quyết định bổ nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC dự và trao các quyết định bổ nhiệm.

Theo quyết định thành lập, Phòng điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc có 12 cán bộ, đồng chí Nguyễn Đình Bắc – Kiểm sát viên trung cấp, Viện trưởng VKSND TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái được phân công điều động làm trưởng phòng từ ngày 15/6/2017; đồng chí Lê Văn Chính – Điều tra viên cao cấp phòng Điều tra tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (phòng 6) giữ chức vụ Phó Trưởng phòng. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm kể từ ngày 15/6/2017.

Việc thành lập Phòng 8 là một bước củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức của CQĐT VKSNDTC để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
Việc thành lập Phòng 8 là một bước củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức của CQĐT VKSNDTC để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tiếp đó, ngày 8/6, Phòng nghiệp vụ điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên (Phòng 9) được thành lập, trụ sở tại thành phố Buôn Mê Thuột.

Phòng 9 tập trung vào điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC xảy ra tại 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng (trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Phòng Điều tra tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Phòng 6); giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền điều tra của phòng; quản lý, theo dõi, xây dựng các báo cáo về tình hình tội phạm thuộc thẩm quyền, phối hợp xây dựng các báo cáo khác thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra; xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở cung cấp thông tin tội phạm thuộc thẩm quyền…

Đồng chí Vũ Đăng Khoa, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC chúc mừng các đồng chí Phòng 9

Phòng nghiệp vụ điều tra tội phạm xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên có 10 cán bộ, đồng chí Nguyễn Hữu Thức được bổ nhiệm giữ cương vị Trưởng phòng 9; đồng chí Trần Danh Huế, đồng chí Nguyễn Công Lệ được bổ nhiệm giữ cương vị Phó trưởng phòng, thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

2. Kiện toàn tổ chức bộ máy Thanh tra VKSND tối cao

VKSNDTC tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Phòng xử lý sau thanh tra và trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Thanh tra VKSNDTC vào chiều ngày 6/6/2017. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì buổi lễ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm trao quyết định và chúc mừng các đồng chí  được bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng thuộc Thanh tra VKSNDTC

Tại buổi Lễ, đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ VKSNDTC đã công bố quyết định số 02/QĐ-VKSTC ngày 16/3/2017 của Viện trưởng VKSNDTC về việc thành lập Phòng xử lý sau thanh tra thuộc Thanh tra VKSNDTC.

Tiếp đó, công bố các quyết định ngày 31/5/2017 của Viện trưởng VKSNDTC về việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cụ thể:
Bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Hưng Hùng, Chuyên viên chính, Phó Trưởng phòng giữ chức vụ Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp; bổ nhiệm đồng chí Trần Thị Hòa, Kiểm sát viên sơ cấp giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp; bổ nhiệm đồng chí Tô Thị Phượng, Kiểm sát viên sơ cấp, Phó Trưởng phòng giữ chức vụ Trưởng Phòng Thanh tra hành chính; điều động và bổ nhiệm đồng chí Trần Thị Lan, Kiểm sát viên sơ cấp phòng Tham mưu tổng hợp giữ chức vụ Phó Trưởng Phòng Thanh tra hành chính; điều động và bổ nhiệm đồng chí Trần Kim Quy, Kiểm sát viên trung cấp phòng Thanh tra nghiệp vụ giữ chức vụ Phó Trưởng phòng xử lý sau thanh tra. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

3. Việt Nam – Nhật Bản ký các hợp đồng trị giá 22 tỷ USD

Doanh nghiệp, địa phương 2 nước đã thúc đẩy hợp tác tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam lớn nhất từng tổ chức tại Nhật.

Tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam, với sự tham dự của 1.600 đại biểu, doanh nghiệp. Trong đó có 200 công ty Việt Nam. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật, diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng đến nước này.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật. Trong đó có dự án phát triển đô thị Nhật Tân – Nội Bài giữa Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo; và thỏa thuận chiến lược giữa VietJet với Mitsubishi UFJ Lease & Finance – hỗ trợ tài chính 348 triệu USD mua 3 máy bay…


Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam chiều nay tại Nhật. Ảnh: VGP

Các nhà đầu tư Nhật tham gia hội nghị đều đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ông Yutaka Watanabe – Chủ tịch Công ty Towa Industry Việt Nam còn cho biết: “Đầu tư ngoài Nhật là nghĩ ngay đến Việt Nam”. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam nên duy trì và phát huy kết quả này.

4. Quốc hội tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng.

* Ngày 05/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Nhiều đại biểu đã đưa ra những số liệu đáng báo động cũng như những băn khoăn, lo lắng về tình hình an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay .

Báo cáo của Chính phủ giai đoạn 2011-2016 thống kê cho thấy, đã xảy ra 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết.

Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày trước Quốc hội

Kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2011 – 2016 cho thấy cả nước tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm pháp luật về VSATTP, chiếm 20,3%. Tuy nhiên, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền 55.714 cơ sở với số tiền 133.905.925.136 đồng.

Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định rõ tội danh và chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm pháp luật VSATTP. Theo đó, người vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị phạt từ 7 – 15 năm tù. Riêng đối với hành vị sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ cấu thành tội ngay mà không cần phải gây hậu quả, đối với tội danh này có thể phải nhận mức án chung thân hoặc tử hình nếu ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. “Tức là chúng ta đã có luật, có chế tài và vấn đề vướng mắc ở đây chỉ là khâu tổ chức thực hiện yếu kém“, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận định.

* Sáng 07/6, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội đề nghị xác định rõ thực trạng nợ xấu, nguyên nhân nợ xấu và việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc để gây ra nợ xấu.

Tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng hiện nay là trên 150.000 tỷ, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ, chiếm 5,8% tổng dư nợ.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Việt Nam: một bộ phận cán bộ ngân hàng đã thoái hóa, biến chất

Từ năm 2011 đến năm 2016, báo cáo với Quốc hội, theo thống kê của Bộ Công an, các cơ quan điều tra của Bộ Công an, không bao gồm công an các địa phương, đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng. Chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố điều tra, truy tố và xét xử khoảng 128 cán bộ ngân hàng trong đó có nhiều đối tượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị và Phó Tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh của các tổ chức tín dụng và có nhiều mức án đã được kết án rất nghiêm khắc kể cả án tử hình, chung thân và trên 20 năm tù.

Tổng kết lại những ý kiến của đại biểu Quốc hội trong buổi sáng ngày 07/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: “Cần làm rõ thêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu và không được coi nghị quyết này là đặc quyền cho các tổ chức tín dụng tiếp tục lại gây ra nợ xấu mới”.

* Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các ĐBQH tập trung thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật cảnh vệ, đặc biệt nhiều ý kiến quan tâm đến việc mở rộng, bổ sung đối tượng cảnh vệ.

Đại biểu Đỗ Văn Bình – Tp Hải Phòng nêu ý kiến cho rằng, ngoài các đối tượng cảnh vệ đã được ghi trong Dự thảo, cần nghiên cứu trong một số trường hợp đặc biệt cần thiết, có thể bổ sung một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp bộ, ngành; lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được áp dụng một số biện pháp cảnh vệ như bảo vệ trong một thời gian nhất định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đồng chí này.

Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh

Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh điều 10 Dự án Luật cảnh vệ, báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như: Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao… để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh chính trị. UBTVQH nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể và cần phân biệt “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ”; các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật kế thừa Pháp lệnh cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật.

* Ngày 08/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 với số phiếu đồng thuận cao.

Trước đó, trong các ngày 23 và 31/5/ 2017, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

91.24% Đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua 

Thảo luận tại Hội trường, hầu hết các vị ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị, lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh lần này; tán thành với những nguyên tắc trong Tờ trình và danh mục các dự án dự kiến trong Chương trình năm 2018 như dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã đề nghị điều chỉnh thời gian trình một số dự án và đề nghị bổ sung một số dự án mới vào Chương trình. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh Chương trình để thông qua dự án Luật An ninh mạng sớm hơn; điều chỉnh thời gian trình các dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Cảnh sát biển, Luật Công an xã.

5. Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng sẽ thành lập 8 Đoàn công tác, giám sát 20 địa phương trong năm 2017

Chiều 07/6, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương,  Ban cán sự Đảng VKSNDTC, Ban cán sự Đảng TAND tối cao.

Đến dự và chủ trì Hội nghị, có đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo); đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao, Uỷ viên Ban Chỉ đạo; đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Uỷ viên Ban Chỉ đạo. Cùng dự còn có đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC, cùng các đại diện các Cục, Vụ liên quan của bốn cơ quan phối hợp.

 

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định: “Trong quá trình phát sinh các vướng mắc thì các cơ quan cần cùng nhau tháo gỡ, hết sức phối hợp với tốc độ nhanh nhất.”. Đồng chí Lê Minh Trí cũng đề nghị Vụ 1 – Ban Nội Chính Trung ương đưa ra một phương án phối hợp tốt hơn, loại thông tin nào cấp dưới tiếp cận, loại thông tin nào phải là lãnh đạo có thể phải phối hợp. “Ban Nội Chính Trung ương là cơ quan thường trực nên các đồng chí nên chủ động đề xuất phương án đó”. Viện trưởng VKSNDTC cũng hoan nghênh chủ trương cử các Đoàn công tác xuống địa phương, nhưng đồng chí nhấn mạnh việc kiểm tra lại việc thực thi các kết luận của Đoàn Kiểm tra là rất cần thiết. Bên cạnh đó cần một cơ chế hướng dẫn cho các cấp dưới chủ động hơn trong phối hợp, hướng dẫn địa phương thực thi các nội dung Ban chỉ đạo đưa ra.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã tổng kết lại ý kiến của các đại biểu bốn cơ quan và đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu. Đồng chí cũng cho biết theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2017 sẽ thành lập 8 Đoàn công tác, giám sát 20 địa phương. Bên cạnh đó Ban Chỉ đạo sẽ khẩn trương tiến hành phúc tra việc thực hiện kết luận của 07 Đoàn kiểm tra địa phương trước đó.

6. Từ 2017, 100% trường học phải có giáo viên dạy môn pháp luật

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 ban hành Chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật giai đoạn 2017 – 2021. Theo đó, về 100% các nhà trường đều triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật theo quy định.

Quyết định này nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật trong toàn xã hội; đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

100% trường học phải có giáo viên, giản viên dạy môn pháp luật Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

– Phấn đấu 100% các nhà trường đều triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật theo quy định.

– Phấn đấu từ 70% – 90% đối tượng đặc thù được phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên biệt theo quy định của pháp luật.

7. Giám đốc bệnh viện Hòa Bình bị đình chỉ liên quan 18 người tai biến chạy thận

Ông Trương Quý Dương bị đình chỉ công tác cùng 2 cán bộ khác để xem xét trách nhiệm liên quan vụ tai biến 18 người chạy thận Hòa Bình.

3 người này bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra và xem xét trách nhiệm liên quan đến vụ tai biến 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5 khiến 8 người chết. 10 bệnh nhân còn lại đã hồi phục sức khỏe, xuất viện sáng 8/6. Một ngày sau sự cố, ông Dương đã xin lỗi bệnh nhân.

giam-doc-benh-vien-hoa-binh-bi-dinh-chi-lien-quan-18-nguoi-tai-bien-chay-than Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: N.P.

Sở Y tế tỉnh Hòa Bình sáng 8/6 công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 3 cán bộ liên quan vụ tai biến chạy thận tại bệnh viện đa khoa tỉnh. 3 người bị đình chỉ công tác gồm ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; ông Trần Văn Sơn nhân viên phòng vật tư bệnh viện và điều dưỡng Đỗ Thị Điệp ở khoa Thận nhân tạo.

8. Toàn cảnh vụ tấn công khủng bố bằng xe tải và dao ở Anh

Cảnh sát cho biết “vụ việc lớn” đang diễn ra. “Từ 22 giờ 08 (tức 6 giờ sáng 4.6 theo giờ VN) cảnh sát được điều động xử lý vụ một xe tải tông vào người đi bộ trên cầu London và tấn công bằng dao ở Chợ Borough, phía nam cầu London.

Tờ The Sun cho hay có thể có đến 7 người thiệt mạng sau khi chiếc xe van màu trắng do những kẻ tấn công điều khiển di chuyển với tốc độ cao, khoảng 80 km/h lao vào người đi bộ trên cầu London vào đêm 3.6 (giờ Anh). Chiếc xe chỉ dừng lại khi lao vào hàng rào của Nhà thờ Southwark, những kẻ điều khiển chiếc xe nhanh chóng nhảy khỏi ôtô, chạy về phía các quán bar đông đúc tại khu chợ Borough gần đó và đâm dao loạn xạ vào người vô tội.

Toàn cảnh tấn công khủng bố bằng xe tải và dao ở Anh Cầu London Bridge – Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời nhân chứng cho biết họ nhìn thấy 6 người nằm trên mặt đất sau khi xe tải tông vào người đi bộ.

Toàn cảnh tấn công khủng bố bằng xe tải và dao ở Anh Hiện trường vụ tấn công

Có 5 người ngồi trong xe tải và những kẻ tấn công vũ trang bằng dao sau đó nhắm đến những người ngồi trong các quán rượu và nhà hàng.

Toàn cảnh tấn công khủng bố bằng xe tải và dao ở Anh Cảnh sát bảo vệ hiện trường

Reuters dẫn lại thông tin từ truyền thông Anh cho biết cảnh sát bắn chết hai kẻ tấn công và vẫn đang truy lùng những kẻ còn lại.

9. Máy bay quân sự chở hơn 100 người rơi ở Myanmar

Máy bay chở hơn 100 binh lính Myanmar cùng người nhà rơi sau khi cất cánh ở miền nam đất nước.

may-bay-quan-su-cho-hon-100-nguoi-roi-o-myanmar

Một máy bay Y-8 của không quân Myanmar. Ảnh: Wiki

Chiếc máy bay vận tải Y-8-200F của quân đội Myanmar khởi hành từ thị trấn ven biển Myeik, miền nam đất nước, vào 13h06 (13h36 giờ Hà Nội) để đến Yangon, thành phố lớn nhất nước này. Tuy nhiên, nó mất liên lạc với mặt đất khi bay qua biển Andaman, tại điểm cách thị trấn Dawei 70 km về phía tây, theo Reuters.

Quân đội Myanmar cho biết trên máy bay có 106 hành khách gồm binh lính Myanmar và người nhà, cùng với 14 thành viên tổ bay. Một quan chức hàng không dân dụng trước đó nói máy bay chở 105 người nhưng thông tin này đã được thay đổi.

Anh Nga (tổng hợp)