Giữ nguyên hay mở rộng đối tượng cảnh vệ?
Ngày đăng : 11:24, 09/06/2017
Không nhầm lẫn giữa “cảnh vệ” và “bảo vệ”
Theo quy định ở khoản 1, Điều 10 của dự thảo Luật Cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ là những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Các ĐBQH Trịnh Ngọc Thuý – Tp Hồ Chí Minh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Bến Tre, đại biểu Trần Hồng Hà – Vĩnh Phúc và Nguyễn Hữu Chính – Hà Nội cùng đề nghị bổ sung Chánh án TANDTC vào đối tượng cảnh vệ, vì đồng chí Chánh án hiện là Bí thư Trung ương Đảng và cũng để phù hợp với vị trí của người đứng đầu cơ quan tư pháp, được Quốc hội bầu, phải tuyên thệ trước Quốc hội.
Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh
Đại biểu Đỗ Văn Bình – Tp Hải Phòng nêu ý kiến cho rằng, ngoài các đối tượng cảnh vệ đã được ghi trong Dự thảo, cần nghiên cứu trong một số trường hợp đặc biệt cần thiết, có thể bổ sung một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp bộ, ngành; lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được áp dụng một số biện pháp cảnh vệ như bảo vệ trong một thời gian nhất định để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đồng chí này. “Đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng tại một tỉnh và một tỉnh khác đã phải báo cáo Chính phủ về việc đảm bảo an toàn, an ninh của lãnh đạo tỉnh. Nếu để xảy ra tình huống không đảm bảo an toàn cho các đồng chí này, sẽ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tại địa phương mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự chung của cả nước”, ông Bình chia sẻ băn khoăn
Về ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh điều 10 Dự án Luật cảnh vệ, báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ như: Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao… để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh chính trị. UBTVQH nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể và cần phân biệt “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ”; các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật kế thừa Pháp lệnh cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật.
Vụ việc xảy ra ở Yên Bái là hy hữu
Trả lời phỏng vấn báo chí về Luật cảnh vệ, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Nghệ An cho rằng sự việc ở Yên Bái vừa qua chỉ là hy hữu và lưu ý “chúng ta lấy một sự việc mà đưa ra tổng thể của quốc gia thì không nên”.
Cùng quan điểm đó, ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh cũng cho rằng sau một số sự việc xảy ra ở một tỉnh, có ý kiến đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng cần nằm trong diện đối tượng cảnh vệ. Tuy nhiên, xét từ việc tổng kết thực hiện Pháp lệnh Cảnh vệ thì 18 đối tượng (đối tượng cảnh vệ hiện nay – PV) là phù hợp với điều kiện đất nước ta hiện nay.
Sơn Tùng