Viện kiểm sát không phải là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước

Ngày đăng : 11:42, 02/06/2017

(Kiemsat.vn) – Thảo luận về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), nhiều đại biểu đã phản biện lại ý kiến Viện kiểm sát phải là cơ quan đứng ra bồi thường.

Viện kiểm sát có thêm nhiệm vụ mới?

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) – Hà Nội cho rằng, đối với cả một người bị oan trong vấn đề hình sự là đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, hoạt động tố tụng của chúng ta, mô hình tố tụng của chúng ta phải có 3 cơ quan là điều tra, truy tố và xét xử thì mới ra được bản án. Vậy những quá trình, trình tự từ điều tra, truy tố, đình chỉ thì rõ rồi nhưng để một người ra một bản án trái pháp luật, dẫn đến xác định người ta bị oan thì đây là trách nhiệm liên đới của cả 3 cơ quan.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục đưa ra nhận định: “Quan điểm của tôi cho rằng Viện kiểm sát sẽ phải là cơ quan đứng trách nhiệm để giải quyết vấn đề bồi thường. Bởi vì, luật đã giao cho Viện kiểm sát quyền mà cơ quan điều tra và xét xử không có, đó là quyền phải giám sát về việc tuân thủ pháp luật trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử”. Lý do ông Chiến đưa ra là đại diện Viện kiểm sát phải có mặt trong suốt 3 quá trình này. Do vậy, để dẫn đến oan, chúng tôi cho rằng cơ quan kiểm sát sẽ phải đứng ra đại diện giải quyết vấn đề bồi thường (?).

Đồng tình với quan điểm Viện kiểm sát sẽ phải là cơ quan đứng ra đại diện giải quyết vấn đề bồi thường là đại biểu Trương Thị Yến Linh – Cà Mau. Bà Linh cho rằng trong giai đoạn hiện nay Viện kiểm sát cũng đã thực hiện qua điều công tố và cũng nên cần có quy định cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường đề giải quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như đảm bảo tính khách quan, công minh và tạo niềm tin cho người dân.

Nhiều ý kiến không đồng tình

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Nghệ An khẳng định: “Trước hết, tôi đồng tình cao với nguyên tắc chung cơ quan quyết định gây ra oan sai sau cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Do đó, Viện kiểm sát không phải là cơ quan bồi thường cho cả cơ quan đó là bồi thường do cơ quan điều tra làm sai, bồi thường do Tòa án làm sai, tôi không đồng ý quan điểm này”. Ông Cầu cũng khẳng định quan điểm ai ra quyết định buộc tội sai thì người đó phải đền bù. Theo ông, tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 7 của Điều 35 thì Viện kiểm sát đền bù là đúng, toàn bộ Điều 36 thì Tòa án đền bù là đúng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Đoàn Nghệ An 

Đại biểu Dương Ngọc Hải – Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản thống nhất với nguyên tắc là cơ quan nào gây oan sai sau cùng thì phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, ông cho rằng ở Khoản 3, Điều 34 thì lại vướng, vướng ở chỗ là khi hồ sơ kết thúc điều tra, Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung mà dẫn đến cơ quan điều tra đình chỉ hoặc cơ quan điều tra được bổ sung xong chuyển sang Viện kiểm sát để Viện kiểm sát đình chỉ thì như vậy cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường? “Nếu như quy định cơ quan điều tra có trách nhiệm bồi thường thì trái với nguyên tắc trên. Nếu như quy định Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thì trong trường hợp này Viện kiểm sát đã không chấp nhận kết quả điều tra của cơ quan điều tra bằng kết luận điều tra hoặc kết luận điều tra bổ sung mà bắt Viện kiểm sát bồi thường thì đây là một điều vô lý”, đại biểu Dương Ngọc Hải băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Quảng Nam khẳng định không đồng ý với quan điểm này, bởi lẽ trong tố tụng hình sự thì nguyên tắc trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã được phân định, mỗi cơ quan đều có trách nhiệm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và đồng thời phải có trách nhiệm giải quyết những hậu quả do thực hiện nhiệm vụ của mình gây ra. Do đó, nếu quy định chỉ Viện kiểm sát chịu trách nhiệm thì sẽ tạo ra việc các cơ quan khác sẽ không ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình. “Mặt khác, tôi cho rằng việc giao cho Viện kiểm sát đứng ra làm hết việc này thì cũng là một áp lực đối với ngành kiểm sát, do đó chúng tôi thấy quy định như dự thảo là hợp lý”.

Tổng kết lại ý kiến của Đại biểu về dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết dự thảo này có nhiều điểm tiến bộ hơn trước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Dự thảo này có nhiều điểm tiến bộ hơn trước

Về vấn đề tranh luận quanh quan điểm cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường, ông Long khẳng định quan điểm cơ quan giải quyết bồi thường theo một nguyên tắc là cơ quan gây oan sai sau cùng. Ông Long cũng chia sẻ Uỷ ban cũng đã thảo luận nhiều lần vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đã triệu tập các cơ quan tố tụng mấy lần để thảo luận. “Về việc này chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thiết kế để có sự tham gia của các cơ quan để đạt sự đồng thuận, nếu không vẫn phải theo nguyên tắc”.

Sơn Tùng