Đã xác định là oan thì cơ quan tố tụng cần chủ động tổ chức xin lỗi công khai
Ngày đăng : 11:41, 02/06/2017
Cần xây dựng một nền tư pháp có trách nhiệm
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ – Bắc Kạn tán thành với việc Dự thảo đã xử lý rất đúng khi đưa nội dung này đặt trong Mục 3, Chương V và lấy tên gọi của mục là “phục hồi danh dự cho người bị oan”. Tuy nhiên, dự thảo vẫn tiếp cận vấn đề theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. Còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra.
Bà Thuỷ cho rằng phục hồi danh dự của người bị oan phải là trách nhiệm công vụ, không phải là quan hệ dân sự. Việc dự thảo đưa Điều 34 của Bộ luật Dân sự quy định cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự thì có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin đó xin lỗi, cải chính công khai là chưa đúng. “Chúng ta phải thấy được tính chất rất nghiêm khắc của các biện pháp tố tụng hình sự, nếu các biện pháp này được áp dụng thì sẽ phát huy tác dụng trong việc phát hiện tội phạm, nhưng nếu các biện pháp này áp dụng sai thì hậu quả nó để lại cho người bị oan là rất nghiêm trọng”.
Lấy ví dụ về biện pháp bắt người được quy định tại Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự, bà Thuỷ phân tích: Sau khi đã trải qua tất cả các việc bị bắt, bị khám người, bị còng tay dẫn đi trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng, đồng nghiệp, vợ con mà sau này được xác định là oan lại phải có đơn yêu cầu của nhà nước phục hồi danh dự thì bà Thuỷ cho rằng cũng cần hết sức cân nhắc.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn Bến Tre
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Bắc Kạn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Bến Tre nhấn mạnh: “Chúng ta đang xây dựng một nhà nước phục vụ, một nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ, nhà nước phải tự mình đi phục vụ. Tôi nhất trí là nhà nước cần phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động hơn là bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi”.
Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng cho rằng phải công bằng với người dân, khi ta xác định họ có trách nhiệm bồi thường bất kỳ khoản gì cho nhà nước cũng chưa cần thiết phải bàn đến chuyện người ta giàu hay nghèo, vấn đề quan trọng là phải xác định rõ trách nhiệm. Công chức cũng vậy, cần phải xác định rõ trách nhiệm, còn việc bồi hoàn bao nhiêu thì phụ thuộc vào vấn đề thương lượng được quy định ở Điều 46.
Nên chăng có một cơ quan chuyên trách về bồi thường Nhà nước
Thực ra đây không phải là một sáng kiến mới mà nó đã được nhiều cá nhân, đơn vị nêu ra trước đây. Tại Hội thảo Định hướng trong việc sửa đổi, bổ sung Luật TNBTNN được tổ chức tại Hải Phòng từ năm 2015, PGS.TS Hoàng Thế Liên (nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp) cho rằng trong công tác bồi thường nhà nước thì giữa người dân – Nhà nước phải bình đẳng. “Nếu cứ để cơ quan có hành vi sai trái thương lượng với người bị thiệt hại là không nên; phải có cơ quan nằm ngoài cơ quan đó thỏa thuận và chi trả tiền bồi thường cho dân. Dù là Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án hay cơ quan hành chính thì việc bồi thường đều nhân danh nhà nước” .
Theo ông Liên thì phát hiện sai trái thì phải bồi thường, ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm thế nào thì nội bộ nhà nước giải quyết với nhau, sau đó báo cáo để dân biết. Còn theo như quy định hiện nay, dân phải chờ xem ai chịu trách nhiệm bồi thường rồi mới đi kiện là không được.
Mới đây, ngày 15/02/2017, Ủy ban kiểm sát VKSNDTC họp mở rộng để thảo luận, cho ý kiến đối với một số nội dung về Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Nhiều ý kiến trong phiên họp cũng cho rằng, dự thảo nên quy định có một cơ quan nhà nước chuyên trách giải quyết việc bồi thường thiệt hại xảy ra trong hoạt động tố tụng; đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc hướng dẫn tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết bồi thường.
Ủy ban kiểm sát VKSNDTC họp mở rộng thảo luận, cho ý kiến đối với một số nội dung về Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi)
Được biết, hiện tại chúng ta cũng đang có một cơ quan chuyên trách làm việc tương tự là Cục Bồi thường nhà nước thuộc Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay Cục này chỉ giới hạn trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và trong hoạt động thi hành án dân sự. Còn các mảng bồi thường khác như công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng, bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự thì cơ quan này chỉ là phối hợp với các cơ quan tố tụng khác mà thôi.
Nên chăng chúng ta có phương án tăng quyền cho Cục Bồi thường nhà nước để chuyên trách việc bồi thường trên tất cả các hoạt động?
Sơn Tùng