Xử lý hình sự quan hệ lao động – dễ bị lạm dụng
Ngày đăng : 07:45, 24/05/2017
Uỷ ban tư pháp xin giữ nguyên Điều 162
Có ý kiến cho rằng, quy định như Điều 162 tuy bảo vệ được người lao động nhưng lại thiếu cơ chế để loại bỏ người lao động thiếu ý thức kỷ luật lao động, chất lượng không bảo đảm, đồng thời phải rà soát các quy định của Bộ luật lao động và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
UBTVQH nhận thấy, theo quy định của pháp luật về lao động thì trường hợp người lao động thiếu ý thức kỷ luật lao động, chất lượng lao động không bảo đảm mà vi phạm hợp đồng lao động hoặc kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động có quyền sa thải hoặc buộc thôi việc; BLHS chỉ điều chỉnh các trường hợp như sa thải trái pháp luật, cưỡng ép, đe dọa họ phải thôi việc và phải dẫn đến hậu quả làm cho người bị thôi việc, bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công. Quy định này là phù hợp với các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như quy định của BLHS năm 2015.
Có ý kiến cho rằng, quy định “làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn” rộng và có thể dẫn đến xử lý hình sự tràn lan.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 1 Điều 162 trong dự thảo Luật đã thay thế cụm từ “lâm vào tình trạng khó khăn” bằng cụm từ “lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn”.
Có thể dẫn đến xử lý hình sự tràn lan
Có ý kiến về Điều 162 này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự lo lắng. Theo đó, Điều 162 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; sa thải trái pháp luật đối với người lao động; cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc… làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 triệu – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi bày tỏ sự lo lắng về điều 162 BLHS 2015
Ông Hồ Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Chính phủ không trình Điều 162, nhưng Ủy ban Tư pháp lại sửa về mặt kỹ thuật. Đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp của nước ta”.
Theo ông Lợi, việc Ủy ban Tư pháp thêm cụm từ “hoặc dẫn đến đình công” khiến chúng ta hình sự hoá quan hệ cá nhân, không có căn cứ và không phù hợp. Điều 209 Bộ luật Lao động quy định về việc đình công: “Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động”. Bản chất của đình công là chỉ được tiến hành với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và phải qua thủ tục giải quyết tranh chấp lao động. Cứ đình công là xử lý hình sự với ông chủ là điều không thể chấp nhận được, là quá nghiêm trọng và chỉ bảo vệ người lao động mà không xem xét đến vai trò của người sử dụng lao động.
“Chúng ta đang xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hoà và tiến bộ. Đề nghị trong điều này bỏ hẳn “hoặc dẫn đến đình công”, ông Lợi nhấn mạnh.
Sơn Tùng