Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngành Kiểm sát nhân dân

Ngày đăng : 10:41, 18/05/2017

(Kiemsat.vn) - Mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp nhân dân, Bác Hồ luôn có những lời nói về đạo đức cách mạng thật giản dị mà sâu sắc, thấm thía. Đối với cán bộ Kiểm sát, Bác căn dặn: “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Bác Hồ với cán bộ các cơ quan tư pháp và ngành Kiểm sát

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở và tâm nguyện phải xây dựng Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Người nói: “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra”(1).

Với cương vị Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Người đã trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo và tư tưởng quan trọng này đã được ghi nhận trang trọng trong Hiến pháp. Tại Điều 1 Hiến pháp năm 1946 quy định rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Là người rất am hiểu về chế độ chính trị, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước trên thế giới, song gắn với các yêu cầu cụ thể của cách mạng nước ta lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn phương thức tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp và xác định đây là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Các cơ quan tư pháp theo Hiến pháp năm 1946 gồm các Tòa án (Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm, các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp), song thời kỳ này, cơ quan công tố là một bộ phận tổ chức bên trong Tòa án, hệ thống Thẩm phán gồm: Thẩm phán ngồi (là các Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ xét xử) và Thẩm phán đứng (là các Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ công tố). Chủ tịch Hồ Chí Minh coi phát triển tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người nói: “tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ”.

Đối với thiết chế Viện Công tố sau này là Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo rất sâu sát và toàn diện từ việc hoàn thiện mô hình tổ chức, cử nhân sự lãnh đạo cho ngành, đến việc đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với cán bộ Kiểm sát.

Mô hình Viện Công tố trực thuộc Tòa án tồn tại từ năm 1945 đến năm 1958 thực chất là việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức tư pháp của Cộng hòa Pháp đã thâm nhập ở nước ta gần 100 năm.
Vào đầu những năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra rất ác liệt, tuy nhiên, chất lượng công tác tư pháp thời kỳ này chưa đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng, chưa đảm đương tốt nhiệm vụ trừng trị, trấn áp phản cách mạng, một bộ phận cán bộ tư pháp còn có tư tưởng tư pháp phải độc lập với chính trị… Trước tình hình đó, yêu cầu phải cải tổ hệ thống tư pháp, xây dựng nền tư pháp phục vụ nhân dân được đặt ra hết sức cấp thiết.

Vị trí của cơ quan công tố về cơ bản không thay đổi so với trước cải cách tư pháp năm 1950, song về thẩm quyền có một số thay đổi đáng kể. Trước đây, với quan niệm việc hộ (việc dân sự) thường chỉ liên quan đến các đương sự, không ảnh hưởng đến xã hội nên Công tố bị hạn chế tham gia vào quá trình giải quyết loại việc này. Tuy nhiên, sau cải cách tư pháp năm 1950 và với sự chỉ đạo của Bác Hồ thì vai trò của Công tố viện trong lĩnh vực này được tăng cường một bước, Công tố được giao trách nhiệm kháng cáo cả việc hộ. Đồng thời, còn tăng cường trách nhiệm của Công tố trong giám sát việc giam giữ, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Sau năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, cả nước thực hiện đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, việc tiếp tục tổ chức bộ máy tư pháp như giai đoạn trước đây tỏ ra không còn phù hợp. Trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng và sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ tư pháp đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan công tố. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng đề án tăng cường bộ máy Chính phủ và bộ máy nhà nước, trong đó có nội dung thành lập hệ thống Viện Công tố độc lập.

Tại phiên họp ngày 29/4/1958, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo và thông qua đề án nêu trên. Viện Công tố được tách thành một hệ thống độc lập, tổ chức từ trung ương đến địa phương, Viện Công tố trung ương trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm, quyền hạn ngang một Bộ (tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân sau này). Đồng thời, đề cử đồng chí Bùi Lâm, nguyên Vụ trưởng Vụ hành chính – tư pháp làm Viện trưởng Viện Công tố Trung ương, là người đã được Bác Hồ rèn luyện, giao nhiệm vụ tổ chức đường dây liên lạc, chuyển tài liệu cách mạng từ Pháp về Việt Nam từ năm 1922.
Viện Công tố ngoài nhiệm vụ thực hành quyền công tố còn được giao nhiệm vụ giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tư pháp (bao gồm: giám sát các hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án, giam, giữ, cải tạo). Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, Viện Công tố có trách nhiệm khởi tố và tham gia tố tụng đối với những vụ án quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước.

Có thể thấy, ngay từ thời điểm cách mạng này, tư tưởng của Hồ Chủ tịch về việc thiết lập hệ thống Viện Công tố độc lập, tách khỏi Tòa án, không còn thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp về hành chính, đảm nhiệm hai chức năng thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động tư pháp thực chất đã tạo bước chuẩn bị quan trọng cho việc hình thành một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy nhà nước (Viện kiểm sát nhân dân) ở lần sửa đổi Hiến pháp tiếp theo (năm 1959).

Yêu cầu mới của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa “đòi hỏi pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đòi hỏi một sự nhất trí về mục đích và hành động trong nhân dân, giữa nhân dân và Nhà nước, cũng như giữa những ngành hoạt động nhà nước với nhau, nếu không đạt được sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn”(2). Trên tinh thần đó, tiếp thu tư tưởng vĩ đại của Lênin, với cương vị Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo thiết lập một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa – đó là Viện kiểm sát nhân dân nhằm giữ vững pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Trải qua hơn nửa thế kỷ tổ chức và hoạt động, ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc và nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sau này.

Qua các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những bất hợp lý trong hoạt động quản lý nhà nước; chấn chỉnh công tác bắt, giam, tha, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khắc phục hiệu quả tình hình oan, sai, bỏ lọt trong xử lý án hình sự.

Sự quan tâm, chăm lo của Bác đối với ngành Kiểm sát nhân dân còn thể hiện ở việc Bác đề cử nhân sự lãnh đạo cao nhất cho ngành. Trong buổi ban đầu thành lập, do công tác kiểm sát là công tác mới trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, đội ngũ cán bộ cũng mới và còn nhiều bỡ ngỡ, các ngành cũng chưa quen với hoạt động của Viện kiểm sát nên Bác Hồ đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng sang giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát.

Đảm nhận trọng trách do Trung ương Đảng và Bác Hồ giao, trong suốt 16 năm liền giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đặt móng, xây nền, toàn tâm, toàn ý cho việc củng cố và phát triển hệ thống Viện kiểm sát nhân dân.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng tập thể lãnh đạo của ngành đề ra những chủ trương, định hướng, biện pháp công tác hết sức đúng đắn, có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát nhằm phục vụ nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, góp phần quan trọng củng cố pháp chế, trong xây dựng và thực hiện pháp luật. Những chủ trương công tác và biện pháp chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với ngành Kiểm sát nhân dân không chỉ đúng trong giai đoạn những năm 60 và đầu những năm 70 mà còn nguyên giá trị đối với công cuộc cải cách tư pháp, đổi mới ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn hiện nay.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chọn người đứng đầu ngành Kiểm sát, năm 1976, sau khi đồng chí Hoàng Quốc Việt chuyển công tác khác, Đảng và Nhà nước cử đồng chí Trần Hữu Dực, Phó Thủ tướng Chính phủ sang đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc cử đồng chí Trần Hữu Dực sang làm Viện trưởng một lần nữa lại thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với công tác tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng, là sự tiếp nối tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Kiểm sát.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, một nhân cách trong sáng, thanh tao, suốt đời tận tụy vì nhân dân, vì Tổ quốc. Người nói: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(3).

Mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp nhân dân, Bác Hồ luôn có những lời nói về đạo đức cách mạng thật giản dị mà sâu sắc, thấm thía. Đối với cán bộ Kiểm sát, Bác căn dặn: “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là công tác phát hiện vi phạm, tội phạm, đụng chạm đến sinh mệnh, tự do, danh dự và nhân phẩm của con người, do vậy, đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, phải tạo lập cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải như Bác Hồ đã từng nói: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”(4).

Về tác phong và phương pháp làm việc, Bác Hồ yêu cầu cán bộ Kiểm sát phải khách quan, thận trọng, phải xuất phát từ thực tế, dựa trên những căn cứ khoa học để phân tích kỹ lưỡng, toàn diện sự việc trước khi đưa ra các quyết định, tránh sai sót.

Khiêm tốn là đức tính mà Bác Hồ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ kiểm sát phải rèn luyện. Khiêm tốn đòi hỏi phải đánh giá đúng về bản thân mình, không kiêu căng, tự mãn, cầu thị học hỏi để ngày càng thêm tiến bộ. Có khiêm tốn mới có đủ tỉnh táo để nhận thức chân lý một cách đúng đắn, khách quan, đồng thời mới có được sự ủng hộ của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng đầy tràn vì độ lượng nó hẹp. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn”(5). Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Bác Hồ: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp”, Người mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ tương lai học tập.

Thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ Kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều tập thể và cá nhân được nêu gương điển hình tiên tiến, vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Bằng khen và Huân chương cao quý. Nhiều cán bộ, Kiểm sát viên đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Thực hiện công cuộc cải cách tư pháp hiện nay do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải quyết tâm phấn đấu, rèn luyện thực hiện theo lời Bác dạy. Làm được điều này chính là góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”(6).

Những tư tưởng sâu sắc của Người về ngành Kiểm sát nhân dân và lời dạy quý báu của Người để cùng quyết tâm xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, là chỗ dựa của nhân dân, như Bác Hồ hằng mong muốn.
———————–

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 644.

(2) Tờ trình Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960.

(3) Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t8. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr 236, 248.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 54.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập. T5. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 644.

(6) Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

(Trích bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngành Kiểm sát nhân dân” của đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, nguồn TCKS số 14/2013)