Những hiểu lầm thổi phồng khủng hoảng Triều Tiên của tàu sân bay Mỹ
Ngày đăng : 05:21, 29/04/2017
Đầu tháng tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ra lệnh cho Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) xây dựng các kế hoạch “chủ động và bền vững” để đối phó với Triều Tiên, chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công quốc gia này, nhiều quan chức quân sự Mỹ tiết lộ với NavyTimes.
Các sĩ quan tham mưu PACOM đề xuất với Tư lệnh, Đô đốc Harry Harris, phương án hủy chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson tới Australia để lên đường tới vùng biển gần Triều Tiên, như một phương án đáp ứng chỉ đạo của Bộ trưởng Mattis về khả năng sử dụng sức mạnh quân sự đối với Triều Tiên.
Theo kế hoạch này, tàu Carl Vinson sẽ cắt ngắn cuộc diễn tập bí mật với hải quân Australia ở vùng biển ngoài khơi Indonesia, hủy chuyến ghé thăm cảng Perth của Australia và lên đường tới bán đảo Triều Tiên. Như vậy, Carl Vinson sẽ có mặt ở ngoài khơi Triều Tiên vào cuối tháng 4.
Tuy nhiên, việc thay đổi lịch trình của một tàu sân bay không phải là động thái nhỏ. Australia đã chuẩn bị rất nhiều thứ để đón tàu sân bay Mỹ. Ngoài ra, gia đình của nhiều thủy thủ trên tàu đã đặt vé máy bay tới Australia để gặp người thân. Chuyến ghé thăm cảng Perth là cơ hội hiếm hoi để các thủy thủ trên tàu có cơ hội gặp gỡ vợ con, gia đình.
Các quan chức PACOM cho rằng điều dễ dàng nhất họ có thể làm là ra một thông cáo báo chí về việc hủy chuyến thăm Australia, giúp các gia đình quân nhân dễ dàng trả lại vé cho hãng hàng không, cũng như cho các bên liên quan hiểu lý do tàu Vinson sẽ không ghé thăm Australia.
Thông cáo báo chí với ngôn từ không hề ẩn ý rằng Đô đốc Harris đã “ra lệnh cho cụm tàu sân bay chiến đấu Carl Vinson đi lên phía bắc và hướng tới tây Thái Bình Dương sau khi rời Singapore vào ngày 8/4” này còn có một hiệu ứng khác: nó sẽ đánh động Triều Tiên rằng dàn khí tài hùng hậu của Mỹ đang trên đường đến, thế nên hãy biết cách mà cư xử.
Cụm tàu sân bay Carl Vinson diễn tập cùng tàu chiến Nhật trên biển Philippines.
PACOM cho rằng bản thông báo báo chí đó là phương án hoàn hảo để giải quyết những vấn đề do việc thay đổi lịch trình của tàu sân bay gây ra. “Đây thực sự là phương án duy nhất”, một quan chức hải quân Mỹ nói.
Thế nhưng mọi việc diễn ra không hề đơn giản như họ nghĩ. Trong 10 ngày tiếp theo, một chuỗi những hiểu nhầm và tính toán sai lầm trong hệ thống an ninh quốc gia Mỹ cùng cơn sốt của giới truyền thông đã đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, tưởng chừng như đã đẩy khu vực Đông Á vào một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ngày 8/3, vài giờ trước khi PACOM ra thông cáo báo chí, hãng Reuters đã đăng bản tin nói rằng tàu Carl Vinson sẽ rời Singapore và hướng thẳng về phía Triều Tiên để phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng, khi nước này được cho là sắp tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Bản tin của Reuters lập tức mở đầu cho những đồn đoán và phân tích trên báo chí về mục đích của Mỹ đằng sau động thái “điều tàu sân bay đến gần Triều Tiên”. Thông tin này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Trump ra lệnh tấn công bất ngờ bằng tên lửa vào Syria, tạo nên cảm giác rằng Tổng thống Mỹ đang ngày càng tự tin hơn trong việc sử dụng vũ lực. Nhiều người dự đoán rằng lãnh đạo Triều Tiên và các cơ sở hạt nhân của nước này sẽ là mục tiêu tiếp theo của tên lửa Tomahawk Mỹ theo lệnh của Trump.
Tàu Vinson và đội tàu hộ tống khi đó lại không hề chuyển hướng lên phía bắc. Chúng đang xuôi xuống Ấn Độ Dương để tiến hành cuộc diễn tập đã lên kế hoạch từ trước với Australia, trái ngược với những đồn đoán rằng một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Triều Tiên sắp diễn ra.
Thế nhưng báo chí Mỹ vào ngày hôm sau tràn ngập những thông tin ngược lại. CNN và nhiều tờ báo lớn khác bắt đầu bước vào trạng thái đưa tin chiến sự. NYTimes nhận định “việc chuyển hướng hạm đội tàu sân bay là động thái gia tăng sức mạnh mới nhất của Tổng thống Trump trước một đối thủ tiềm tàng”, dù ông Trump dường như không liên quan gì tới lệnh chuyển hướng của tàu Vinson. “Truyền thông lúc đó gần như phát rồ”, một nguồn tin hải quân Mỹ nhận định.
Tướng H. R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã có cơ hội tuyệt vời để cải chính những hiểu lầm trên báo chí trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày hôm đó. Song thay vì làm rõ kế hoạch di chuyển và ý định thật sự của tàu Vinson, ông McMaster lại ca ngợi rằng đây là động thái “khôn ngoan” và tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của Mỹ.
Đến ngày 10/4, Tổng thống Trump lại đổ thêm dầu vào lửa khi ám chỉ trong cuộc phỏng vấn với Fox Business News rằng Nhà Trắng đã ra lệnh cho tàu sân bay Vinson tới gần Triều Tiên.
“Chúng tôi đang điều một hạm đội rất mạnh”, ông nói. “Chúng tôi có những chiếc tàu ngầm, rất mạnh, mạnh hơn cả tàu sân bay, tôi có thể nói vậy”. Đây được coi như lời xác nhận của Tổng tư lệnh nước Mỹ về hành trình đến gần Triều Tiên của tàu Vinson, đặc biệt là sự ám chỉ về đội tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, đã làm dấy lên nỗi lo âu về một cuộc khủng hoảng thực sự.
Khi cả cố vấn an ninh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng và cả Tổng thống đều đưa thông tin không chính xác về ý định thực sự trong động thái di chuyển của tàu Vinson, PACOM hiểu rằng họ đang bước vào một cuộc khủng hoảng có thể vuột ngoài tầm kiểm soát.
Một số quan chức quốc phòng và nhiều chuyên gia phân tích nói rằng trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng này, PACOM có thể sửa sai rất nhanh chóng bằng việc ra một thông cáo báo chí mới, nêu chi tiết kế hoạch di chuyển của tàu Vinson và làm rõ những hiểu nhầm trong thông cáo đầu tiên, theo Brian Clark, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách. Những sai sót sẽ ngay lập tức được khắc phục, ngăn khu vực bước vào một giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng.
“Thật sốc là họ lại để mọi việc tiếp tục diễn ra như vậy trong hai tuần mà không thèm tìm cách cải chính thông tin”, ông Clark nói.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo ở Seoul, Bình Nhưỡng, Tokyo và Bắc Kinh bắt đầu phản ứng với tình huống khẩn cấp khi tàu sân bay Mỹ đang được cho là mở hết tốc lực hướng tới biển Nhật Bản. Các tờ báo lớn ở Mỹ cũng bắt đầu khai thác một “thực tế” được chấp nhận rộng rãi rằng cụm tàu sân bay chiến đấu Carl Vinson đang trên đường tới đối đầu với Triều Tiên.
Cơn sốt đó lan khắp toàn cầu, mạnh tới mức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12/4 phải gọi điện cho ông Trump, hối thúc các bên bình tĩnh và giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Bình Nhưỡng đồng thời tung ra lời đe dọa rằng một cuộc “chiến tranh nhiệt hạch” đang đến gần.
Trong khi đó, tại Lầu Năm Góc và bộ chỉ huy PACOM, các quan chức quốc phòng đang tìm cách hãm phanh con tàu sắp trượt bánh. “Mọi người khi được hỏi đều nói một điều, rằng tàu sân bay đang diễn tập với Australia và sau đó sẽ đi lên phía bắc”, một quan chức PACOM cho biết.
Nhưng khi đọc báo, xem tivi, các quan chức này nhận thấy tình hình đang vuột khỏi tầm kiểm soát mà không biết phải làm sao để khắc phục. “Bạn biết mọi thứ đã đi quá xa khi CNN phát đi phát lại câu chuyện này sau mỗi 90 phút. Bạn không thể đi qua một màn hình TV nào mà không bị câu chuyện đó đập vào mặt”, quan chức PACOM kể lại.
Cuộc khủng hoảng lên đến cao trào khi NBC News hôm 13/4 dẫn lời “các quan chức tình báo” nói rằng nếu Triều Tiên thử hạt nhân, quân đội Mỹ sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công phủ đầu quy mô lớn.
Sau bản tin đáng lo ngại này của NBC News, phóng viên các tờ báo khác bắt đầu liên hệ với Lầu Năm Góc và PACOM để kiểm chứng thông tin, để rồi nhận ra rằng tình hình không đến mức nghiêm trọng như thế.
Dù nhiều phóng viên đã báo cáo lại với tòa soạn rằng thông tin tàu Vinson đang ở gần Triều Tiên là không đúng sự thật, những câu chuyện về cuộc “tấn công phủ đầu” vẫn tràn ngập trên các báo trong hai ngày cuối tuần, khi Triều Tiên tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn và thử một tên lửa tầm trung.
Đoàn tàu khủng hoảng đó chỉ dừng lại hôm 17/4, khi tờ Defense News công bố hình ảnh khiến dư luận thế giới choáng váng: tàu Vinson hôm 15/4 không hề ở gần Triều Tiên, mà đang đi qua eo biển Sunda của Indonesia, cách biển Nhật Bản hơn 5.000 km.
Dư luận và báo chí Hàn Quốc nổi giận, gọi chính quyền Trump là “dối trá không khác gì Triều Tiên”, vì cùng thổi phồng sự thật để đe dọa đối thủ. “50 triệu dân Hàn Quốc, cùng nhiều người có lương tri trên thế giới, không thể không thấy xấu hổ và sốc trước sự việc này”, người phát ngôn đảng đối lập Hàn Quốc tuyên bố.
Trước phản ứng của dư luận, các quan chức Lầu Năm Góc và PACOM thừa nhận rằng họ đáng lẽ phải nỗ lực hơn để ngăn chặn câu chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát.
“Theo ý kiến của tôi, chúng ta không nên thông báo việc hủy chuyến thăm Australia sớm như vậy”, một quan chức nói.
Nhưng nhiều người khác không đồng ý, cho rằng họ không có cách nào khác để thông báo với thân nhân 5.000 thủy thủ trên tàu Vinson rằng chuyến ghé thăm cảng Perth của tàu đã bị hủy mà không gây ồn ào trong dư luận. “Nó sẽ lập tức làm dậy sóng mạng xã hội và rồi họ cũng phải đưa ra tuyên bố chính thức”, một quan chức khác nhận định.
Jerry Hendrix, chuyên gia phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho rằng việc thông cáo của PACOM được đưa ra ngay sau vụ không kích Syria cũng như vụ Mỹ ném “Mẹ của mọi loại bom” xuống Afghanistan, đã biến một hành trình thường kỳ, hợp lý của tàu sân bay Mỹ thành một cuộc khủng hoảng bị thổi phồng so với thực tế.
“Những gì bạn thấy là phản ứng với chính sách đối ngoại quyết liệt hơn trong thời kỳ của chính quyền Trump”, Hendrix nói.
Chính sách đối ngoại thận trọng hơn của chính quyền Obama khiến mọi động thái di chuyển của tàu sân bay tới khu vực này có vẻ ít mang tính đe dọa hơn so với chính quyền Trump, nhất là khi ông Trump tuyên bố tăng cường sức mạnh hải quân là một yếu tố then chốt trong chiến lược quốc phòng của mình.
“Việc điều động một tàu sân bay hiện nay mang nhiều ý nghĩa hơn rất nhiều so với chính sách thận trọng, kín đáo dưới thời Obama”, Hendrix nhấn mạnh.
Theo Trí Dũng/VN.express