Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH: Gắn đào tạo nghề với xây dựng Nông thôn mới
Ngày đăng : 04:15, 18/04/2017
Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và đào tạo, Nội vụ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về nhóm vấn đề: Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; Việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ.
Trả lời chất vấn, về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Sau khi nhận chuyển giao từ Bộ GDĐT, từ tháng 01/2017, Bộ LĐTBXH đã chính thức bắt tay thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ tập trung sửa đổi thể chế, ban hành 37 văn bản khác nhau về giáo dục nghề nghiệp,…
Bộ đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản như: Xây dựng các chuẩn giáo dục nghề nghiệp; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề; đẩy mạnh xã hội hóa; đổi mới chương trình, giáo trình theo chuẩn quốc tế; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị… Trong đó, Bộ tập trung vào 3 đột phá là: Tăng cường tự chủ (cơ sở đào tạo nghề hạch toán như doanh nghiệp); Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác đào tạo, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tập trung xây dựng các chuẩn đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn quốc tế.
Với vấn đề liên quan tới việc quản lý các trung tâm cai nghiện, thời gian qua có một số vụ việc phức tạp khi học viên trốn trại ở Đồng Nai, Tây Ninh, Hải Phòng. Nguyên nhân có nhiều nhưng tập trung vào việc điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo hoặc do học viên không tự nguyện vào mà do gia đình đưa vào. Bên cạnh đó, còn có tình trạng địa phương đưa học viên vào trung tâm cai nghiện để “sạch địa bàn”. Thời gian tới, Bộ tập trung triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn; hoàn thiện thể chế; tăng cường kinh phí; tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ…
Về chế độ chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong, hiện tại số hồ sơ giải quyết chính sách còn tồn đọng nhiều. Thời gian tới Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Hội Thanh niên xung phong rà soát đánh giá tổng thể, thống nhất về số liệu đối tượng chính sách; tập trung giải quyết dứt điểm, chính xác các hồ sơ này.
Về vấn đề đào tạo nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới sẽ tích hợp kinh phí đào tạo nghề với kinh phí xây dựng Nông thôn mới. Ngoài ra, sẽ rà soát tổng thể mạng lưới đào tạo nghề. Cụ thể là: Không lập mới các cơ sở công lập không cam kết tự chủ; khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục; sắp xếp lại các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Bộ cũng sẽ tập trung rà soát, xử lý các cơ cở đào tạo yếu kém, tránh tình trạng xây dựng cơ sở đào tạo không gắn với thị trường; tình trạng lãng phí ở các cơ sở đào tạo nghề (ví dụ như: thiết bị mua nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp; nhiều nghề được đầu tư không tuyển sinh được).
Về quy tập, xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đây là việc làm được quan tâm đặc biệt. Nước ta còn khoảng 200.000 liệt sĩ còn đang nằm rải rác ở các nơi chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ.
Chúng ta còn khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa rõ danh tính. Bằng phương pháp xét nghiệm gen đã xác định được danh tính của hơn 3000 hài cốt liệt sĩ. Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập ngân hàng gen, bổ sung thêm các cơ sở giám định gen để đẩy nhanh công tác này.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban để thực hiện chỉ đạo, tổ chức quy tập mộ liệt sĩ. Hiện có khoảng 20 đội làm việc thường xuyên thực hiện công tác này.
Chiều 18/4, chương trình chất vấn sẽ tiếp tục với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Phạm Việt Hưng