Tòa án trọng tài thương mại quốc tế Singapore – Mô hình giải quyết tranh chấp thương mại mới
Ngày đăng : 03:05, 10/04/2017
1. Về việc thành lập Tòa án trọng tài thương mại quốc tế Singapore (Singapore International Commercial Court – SICC)
Khi nhắc đến việc giải quyết tranh chấp thương mại tại Singapore, người ta thường đề cập đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore, một trung tâm trọng tài lớn và uy tín của khu vực Đông Nam Á. Nhằm tiếp tục phát triển các dịch vụ pháp lý trên phạm vi toàn cầu, ý tưởng về việc thành lập một Tòa án trọng tài thương mại quốc tế Singapore đã lần đầu tiên được Chánh án Toà án Tối cao Singapore Sundaresh Menon đề cập tại Buổi khai mạc Năm Pháp luật 2013. Ngay sau đó, vào ngày 13 tháng 5 năm 2013, một ủy ban hỗn hợp gồm các chuyên gia trong pháp luật và giáo dục, các luật sư nổi tiếng trong và ngoài nước và các chuyên gia pháp lý đã được chính thức thành lập để nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý để thành lập Tòa án trọng tài thương mại quốc tế Singapore (sau đây gọi là SICC).
Báo cáo của Uỷ ban nghiên cứu thành lập Toà án Thương mại Quốc tế Singapore đã được công bố vào ngày 29 tháng 11 năm 2013. Chính phủ đã hoan nghênh các khuyến nghị của Ủy ban và tiến hành xem xét. Ngay sau đó, một cuộc tham vấn cộng đồng về báo cáo đã được tiến hành từ ngày 03 tháng 12 năm 2013 đến ngày 31 tháng 01 năm 2014. Quy định về thành lập SICC đã được hoàn thành vào Quý IV năm 2014 và SICC chính thức được thành lập vào ngày 05 tháng 1 năm 2015.
SICC là một bộ phận của Toà án Tối cao Singapore. Tất cả các khiếu nại của SICC sẽ được Toà án Phúc thẩm xét xử.
2. Mục tiêu của SICC
SICC phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu cho việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế tại Singapore, được công nhận là trung tâm trọng tài hàng đầu ở Châu Á và là tổ chức được các công ty luật quốc tế ưu tiên sử dụng cũng như tham gia tư vấn của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Trên cơ sở thành công của ngành trọng tài Singapore, SICC có mục tiêu giúp Singapore trở thành một địa chỉ hàng đầu về dịch vụ pháp lý và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, cung cấp cho các đương sự lựa chọn tranh chấp được giải quyết bởi một Hội đồng thẩm phán giàu kinh nghiệm bao gồm các thẩm phán thương mại chuyên nghiệp Singapore và các thẩm phán quốc tế từ hệ thống luật thành văn và luật án lệ. Singapore tự hào có một cơ quan tư pháp hiệu quả, có năng lực và trung thực. Trong nhiều năm, Singapore đã phấn đấu trở thành một địa điểm trung lập để giải quyết tranh chấp giữa các bên từ các hệ thống pháp luật khác nhau.
Mặc dù các bên có thể theo đuổi khiếu nại của họ theo cơ chế trọng tài quốc tế, nhưng họ cũng có thể muốn giải quyết tranh chấp của mình tại SICC để tận dụng cơ chế tòa án nhằm giúp các bên tránh được một hoặc nhiều vấn đề sau gặp phải thường gặp Trong trọng tài quốc tế:
a. Việc giải quyết kéo dài và tăng chi phí của trọng tài;
b. Lo ngại về tính hợp pháp của các vấn đề đạo đức trong trọng tài;
c. Sự thiếu nhất quán của các quyết định;
d. Không có kháng cáo; và
e. Các bên thứ ba không có khả năng tham gia vào trọng tài.
3. Thẩm quyền và quá trình phát triển của SICC
3.1. Thẩm quyền của SICC
SICC có thẩm quyền nghe điều trần và xét xử một tranh chấp nếu:
– Yêu cầu bồi thường trong thương mại quốc tế;
– Các bên của vụ kiện đã đệ trình vụ việc theo một thỏa thuận bằng văn bản trong đó SICC có thẩm quyền xét xử; và
– Các bên của không tìm cách giải quyết dưới hình khác (bao gồm lệnh bắt buộc, lệnh cấm, lệnh trừng phạt hoặc lệnh xem xét việc giam giữ).
Để biết thêm thông tin về thẩm quyền của SICC, các bên trong một vụ tranh chấp cần nghiên cứu Quy tắc của Tòa án[1].
SICC cũng có thể nghe những vụ án được chuyển từ Tòa án Tối cao Singapore. Các bên thứ ba hoặc các bên tiếp theo có thể tham gia vào một vụ kiện mà SICC có hoặc được thừa nhận quyền tài phán hoặc trong trường hợp được chuyển cho SICC từ Tòa án Tối cao.
SICC sẽ không từ chối thẩm quyền trong một vụ kiện chỉ vì lý do tranh chấp giữa các bên liên quan đến một nước có thẩm quyền khác với Singapore, nếu có thỏa thuận pháp lý bằng văn bản giữa các bên đệ trình yêu cầu giải quyết bởi SICC.
3.2. Quá trình phát triển của SICC
Kể từ khi thành lập (tháng 1/2015) cho đến nay (tháng 3/2017), mặc dù thời gian hoạt động mới hơn 2 năm nhưng SICC đã có những bước tiến lớn với 9 phán quyết[2] liên quan đến các vụ tranh chấp được công bố trong thời gian tương đối ngắn. Các tranh chấp được SICC giải quyết là tranh chấp thuộc thẩm quyền nêu tại Mục 3.1 ở trên, chủ yếu giữa các công ty (ví dụ như vụ kiện BCBC Singapore Pte Ltd and Anor v PT Bayan Resources TBK and Anor (12/5/2016); vụ kiện Teras Offshore Pte Ltd v Teras Cargo Transport (America) LLC (12/6/2016); vụ kiện Telemedia Pacific Group and Anor v Yuanta Asset Management International Limited and Anor (30/6/2016); vụ kiện CPIT Investments Limited v Qilin World Capital Limited and Anor (15/9/2016); vụ kiện BNP Paribas v Jacob Agam & Anor (28/10/2016); vụ kiện Telemedia Pacific Group and Anor v Yuanta Asset Management International Limited and Anor (7/12/2016); vụ kiện Arris Solutions, Inc and Ors v Asian Broadcasting Network (M) Sdn Bhd (8/2/2017); vụ kiện BNP Paribas v Jacob Agam & Anor (17/2/2017) và vụ kiện Telemedia Pacific Group Limited & Anor v Yuanta Asset Management International Limited & Anor (13/3/2017)).
Danh sách các phiên điều trần được công khai trên trang web của SICC[3] để các cơ quan, tổ chức liên quan có thể theo dõi, cập nhật tình hình và tham gia.
Về các thẩm phán của SICC: Thẩm phán, Thẩm phán cao cấp Chan Sat Keong và Thẩm phán quốc tế của Toà án tối cao có thể được chỉ định bởi Chánh án để xét xử vụ án trong SICC. Chánh án và Thẩm phán Tòa Kháng án cũng có thể nghe những vụ án trong SICC. Chánh án và Thẩm phán Tòa Kháng án, bao gồm Thẩm phán, Thẩm phán cấp cao và Thẩm phán quốc tế được chỉ định bởi Chánh án, có thể nghe khiếu nại từ SICC.
Hiện tại, SICC có 29 thẩm phán [4], bao gồm các thẩm phán cấp cao, thẩm phán Tòa cấp cao, và một số thẩm phán quốc tế (như thẩm phán Carolyn Berger; thẩm phán Patricia Bergin; thẩm phán Roger Giles; thẩm phán Irmgard Griss; thẩm phán Dominique T. Hascher; thẩm phán Dyson Heydon; thẩm phán Vivian Ramsey; thẩm phán Anselmo Reyes; thẩm phán Bernard Rix; thẩm phán Yasuhei Taniguchi; thẩm phán Simon Thorley; thẩm phán Henry Bernard Eder). Đa dạng hóa các thẩm phán cũng là một trong những ưu điểm của SICC, theo đó, cho phép các bên tranh chấp nước ngoài có thêm lựa chọn thẩm phán giải quyết vụ việc của mình. Thông qua đó, tăng tính hấp dẫn của việc lựa chọn SICC trong việc xét xử các tranh chấp thuộc thẩm quyền. Việc lựa chọn các thẩm phán được thực hiện theo các quy định của SICC.
Vị trí địa lý chiến lược của Singapore cùng với hệ thống pháp luật phát triển đã giúp quốc gia này trở thành trung tâm giải quyết tranh chấp Châu Á để phục vụ cho sự gia tăng của các tranh chấp xuyên biên giới tại khu vực này. Với việc phát triển mô hình giải quyết tranh chấp thương mại mới, chưa từng xuất hiện tại bất kỳ quốc gia nào khác, một lần nữa Singapore tiếp tục thu hút được sự chú ý khi SICC (mặc dù thời gian hoạt động chưa dài) đã bước đầu nhận được sự quan tâm của các bên tranh chấp và có những phiên xét xử đầu tiên. SICC đóng vai trò như một người bạn đồng hành chứ không phải là một đối thủ cạnh tranh với trọng tài vì Tòa án mong muốn cung cấp cho các bên trong hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia một lựa chọn khác trong số các giải pháp thay thế khả thi để giải quyết tranh chấp thương mại xuyên quốc gia. Tòa án này góp phần tăng cường hơn nữa sự tham gia của Singapore trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý toàn cầu mà không ảnh hưởng đến sự công nhận của quốc tế dành cho Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore.
Theo cổng thông tin bo.tu.phap