Chiến thắng của liêm chính

Ngày đăng : 02:49, 05/03/2017

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng và Cà Mau đã trả lại cho doanh nghiệp (DN) những chiếc xe sang được tặng.

Như vậy, lãnh đạo của các địa phương nói trên không còn xe sang để đi nhưng đồng thời cũng không còn phải chịu đựng sự dị nghị của công chúng và áp lực của tình cảnh “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Được-mất ở đây vì vậy chưa biết cái nào sẽ lớn hơn cái nào. Tuy nhiên, có những cái được lớn hơn thì đã rất rõ ràng.

Một là sự nghiêm cấm của pháp luật đã được làm rõ. Nhận xe, nhận quà cáp của DN chịu sự quản lý của địa phương là không bao giờ được cho phép. Cho dù xe và quà đã nhận có được sung công thì hành vi tiếp nhận vẫn dẫn đến xung đột lợi ích và vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến sự đối xử bình đẳng, công tâm của chính quyền đối với tất cả DN và tất cả người dân.

Hai là việc trả lại xe cho DN tạo ra một tiền lệ. Có vẻ như các DN tặng xe, tặng quà không chỉ cho hai địa phương Đà Nẵng và Cà Mau. Thế thì tất cả địa phương khác đã nhận xe, nhận quà của các DN đều phải trả lại cho các DN. Việc này các địa phương cần chủ động làm, không nên để cho báo chí phải vào cuộc và Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo.

Ba là cuộc chiến chống hiện tượng DN sân sau, chống chủ nghĩa tư bản thân hữu được tiếp thêm sức mạnh. Ngăn chặn việc nhận xe, quà dưới mọi hình thức là ngăn chặn ngay từ đầu sự liên kết cánh hẩu giữa DN với các quan chức. Sự liên kết này đang là một trong những vấn nạn lớn nhất của đất nước ta. Nó làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại; người có đức, có tài khó lòng vươn lên được trong hệ thống. Hậu quả là nền kinh tế không phát triển nhanh chóng và bền vững được; công bằng xã hội bị tổn hại nghiêm trọng.

Bốn là liêm chính đã giành chiến thắng quan trọng đầu tiên. Liêm chính là sự cư xử đúng đắn ngay cả khi không có ai theo dõi, ngay cả khi chúng ta chỉ đối mặt với chính chúng ta. Đây là khả năng hành xử trung thực, nhất quán với các giá trị và các chuẩn mực đạo đức. Thiếu liêm chính không thể vận hành nền quản trị quốc gia. Thiếu liêm chính thì càng đẻ ra lắm cơ quan, càng làm phát sinh thêm chi phí mà không giải quyết được vấn đề. Đây cũng chính là lý do tại sao Thủ tướng Chính phủ đang quyết tâm xây dựng cho bằng được một chính phủ liêm chính.

Chiếc xe tặng do Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng quản lý – ảnh internet

Xin được kể ra những chuẩn mực đạo đức cơ bản mà các quan chức thực thi quyền lực công phải tuân thủ:

Một là bảo vệ lợi ích công. Bảo vệ lợi ích công là chuẩn mực đạo đức đầu tiên và quan trọng nhất. Chuẩn mực này thực ra đã được xác lập từ thời xa xưa nhất, khi “chí công vô tư” được coi là chuẩn mực đạo đức của tất cả quan lại.

Hai là tránh để xảy ra xung đột lợi ích trong thực thi công vụ. Nếu bảo vệ lợi ích công là quan trọng nhất thì tất cả những gì làm tổn hại đến lợi ích công đều cần phải từ chối. Và hình thành nên đòi hỏi thứ hai của chuẩn mực đạo đức là phải tránh xung đột lợi ích.

Ba là đối xử công bằng và bất thiên vị. Quyền lực công là của tất cả nhân dân trao cho, vì vậy mỗi người dân, mỗi DN đều phải được đối xử như nhau.

Bốn là giữ gìn lòng tin của công chúng. Lòng tin là căn cứ để được trao quyền lực, cũng là căn cứ để tiếp tục được nắm giữ quyền lực.

Cuối cùng, bộ râu đẹp không làm nên nhà hiền triết, chiếc xe sang không làm nên nhà lãnh đạo uy danh. Làm lãnh đạo càng giản dị, càng hòa mình với quần chúng nhân dân như ở tỉnh Đồng Tháp càng có danh tiếng, càng được người dân trọng vọng.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG/ Báo PL TP Hồ Chí Minh