Thi THPT quốc gia 2017: Những điều cần ghi nhớ để tăng tỷ lệ đỗ
Ngày đăng : 09:44, 04/03/2017
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2017, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp tổ chức cùng Báo tuổi trẻ, Đại học Bách khoa Hà Nội, các chuyên gia giáo dục đã tư vấn, giải đáp các thắc mắc cho phụ huynh và học sinh.
Năm nay là năm đầu tiên, các thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ phải làm 4 bài thi gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp và xét tuyển CĐ, ĐH.
Trước những băn khoăn về bài thi tổ hợp, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Với các thí sinh lớp 12, các em sẽ phải làm đầy đủ cả 3 môn thi trong bài thi tổ hợp gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với bài thi Khoa học xã hội. Trong bài thi Khoa học tự nhiên, học sinh sẽ làm đầy đủ 3 môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học. Riêng đối với các thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT, các em có quyền lựa chọn thi các môn thi riêng lẻ trong bài thi tổ hợp để xét tuyển cao đẳng, đại học.
Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ngoài ra, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng lưu ý các thí sinh trong quá trình làm bài: “Đối với 2 bài thi tổ hợp, thí sinh làm bài thi trên cùng 1 phiếu trả lời trắc nghiệm. Do đó các em cần chú ý mã đề thi của cả 3 môn thi là giống hệt nhau, trong trường hợp các em nhận được đề thi các môn thi thành phần có mã khác nhau thì phải báo lại giám thị để đổi đề tránh bị liệt điểm, dẫn đến trượt tốt nghiệp”.
Đại diện Bộ giáo dục và Đào tạo cũng cho biết thêm, năm nay đề thi trắc nghiệm được sắp xếp từ dễ đến khó, nên sẽ tiết kiệm thời gian các thí sinh nhìn lướt toàn bộ đề thi. Điểm liệt với mỗi bài thi là dưới 1 điểm.
Nên chọn trường theo 3 mức
Ngoài ra nhiều thí sinh tỏ ra khá lúng túng trong việc ghi phiếu xét tuyển, ông Nghĩa chia sẻ, thí sinh cần chú ý chỉ đăng ký khi bản thân chắc chắn nếu trúng tuyển ngành đó mình sẽ theo học, không nên đăng ký cho xong. Hơn nữa, Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký, tuy nhiên, các em cũng không cần đăng ký đến “n” nguyện vọng, mà nên cân nhắc kỹ để chọn ngành, chọn trường cho phù hợp nhất.
“Nguyên tắc khi đăng ký là thí sinh chỉ nên đăng ký những ngành mà mình yêu thích, tránh trường hợp đăng ký xong, trúng tuyển nhưng cuối cùng lại không đi học. Phải chọn thật cẩn thận, cân nhắc từng nguyện vọng”, ông Nghĩa khuyên.
Cùng đó, thí sinh phải xem xét khả năng của mình dựa trên kết quả bài thi thử, từ đó đưa ra quyết định đăng ký ngành, trường có mức điểm phù hợp nhất.
Theo ông Nghĩa, để làm được điều đó, thí sinh phải nghĩ tới 3 nhóm ngành, trường mà bản thân có khả năng trúng tuyển cao: “Thứ nhất là những trường mình rất thích và điểm năm ngoái chỉ cao hơn một chút so với năng lực hay mức điểm thi thử. Trường hợp này để khỏi tiếc nuối. Nhóm thứ hai là nhóm gần như phù hợp hoàn toàn với khả năng của các em. Còn nhóm thứ ba là nhóm trường chắc ăn hơn, khi mức điểm thấp hơn một chút so với năng lực. Trường hợp này để phòng khi trong quá trình thi thí sinh làm bài kém hơn ngày thường thì vẫn có thể đỗ”, ông Nghĩa nói.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng cho rằng, trong 3 nhóm mà thí sinh phải nghĩ tới khi đăng ký nguyện vọng, nên ưu tiên những ngành, trường mà các em yêu thích nhất lên trước. “Nguyện vọng mình ưa thích hãy cho ưu tiên lên trên thay vì nguyện vọng chắc ăn. Bởi nếu với một ngành rất thích nhưng vì lo sợ quá mà điền nó vào các nguyện vọng phía dưới, đến lúc xét tuyển mới biết ngành đó điểm mình có thể đỗ nhưng không được xét do đã trúng tuyển các ngành học (dù thấp điểm hơn) phía trên, như vậy sẽ rất nuối tiếc”, ông Nghĩa giải thích.
Ngoài ra, một lưu ý thêm cho các thí sinh đã dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016, vẫn sẽ được sử dụng kết quả này để xét tuyển trong kỳ tuyển sinh 2017. Với các em vừa hoàn thành chương trình lớp 12, vẫn sẽ tham gia xét tuyển vào trường dựa theo điểm của 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp./.
Nguyễn Trang/Theo VOV