Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Định lượng trong Tội gây ô nhiễm môi trường quá cao, không phù hợp thực tiễn
Ngày đăng : 10:41, 02/03/2017
Trước đó, nhiều ý kiến đề nghị, do tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều vùng dân cư thì cần phải hạ các mức lưu lượng xả thải cũng như số lần vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa.
Nhưng cũng có ý kiến đề nghị sửa đổi các quy định có liên quan đến thông số chất phóng xạ cho phù hợp với thuật ngữ khoa học và quy định về mức độ an toàn chất phóng xạ.
Trong quan điểm của mình, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, quan điểm nhất quán của Nhà nước ta là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 95/BCA-V19 ngày 18/01/2017 của Bộ Công an thì tình trạng “gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất”. Nếu quy định như Điều 235 của BLHS năm 2015 về mức độ xả thải ra môi trường (các điểm b, đ khoản 1, các điểm b, đ khoản 2 và các điểm c, đ khoản 3) thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng không thể xử lý hình sự được. Vì vậy, để bảo đảm nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Bộ công an và một số bộ ngành, Dự thảo luật mới dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường được quy định tại Điều 235 của BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, do đây là nội dung chuyên ngành sâu nhưng hiện nay chưa có sự thống nhất của một số bộ, ngành chuyên môn nên TTUBTP sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan; đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này (Bộ Tài nguyên và môi trường đề nghị cơ bản giữ nhiều mức định lượng xả thải như BLHS năm 2015; Bộ khoa học và công nghệ đề nghị nâng mức định lượng về phát tán phóng xạ từ 2 đến 4 lần trong BLHS năm 2015 lên 1.000 đến 10.000 lần.)
Trong phần đưa ra quan điểm của VKSNDTC, Viện trưởng Lê Minh Trí đã khẳng định: “mức định lượng trong tội danh này quá cao, không phù hợp để thực hiện, không xử lý hình sự được các vi phạm đang diễn ra phổ biến và hết sức gay gắt hiện nay, nên chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm này”. Do vậy, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị giao cho Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan chủ động đề xuất theo hướng hạ thấp hợp lý các mức định lượng này; trên cơ sở đó TTUBTP đề xuất mức định lượng cụ thể, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xử lý hiệu quả các hành vi nguy hiểm xảy ra trong lĩnh vực này.
Trước đó, trong ngày 27/9/2016, tại phiên thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 do Ủy ban Tư pháp tổ chức, một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận là mức định lượng tối thiểu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự trong nhóm tội phạm về môi trường. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa, có ý kiến cho rằng mức định lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xả thải, chôn lấp, đổ thải ra môi trường quy định tại Điều 235 BLHS 2015 (tội gây ô nhiễm môi trường) quá cao, dẫn đến không xử lý hình sự được trên thực tế. “Bộ TN&MT cho rằng ý kiến này rất xác đáng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay – vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra khá rộng rãi và rất phức tạp” – bà Hoa nói.
Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết mức quy định trong BLHS 2015 đã thấp hơn so với dự thảo mà Chính phủ trình trước đó.
Bà Nguyễn Thị Quốc Khánh (Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường) dẫn chứng: Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ từ ba đến năm tấn chỉ bị xử phạt từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm hoàn toàn không đủ sức răn đe.
Sơn Tùng