Ban Nội chính TW: Phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển CQĐT

Ngày đăng : 07:00, 24/02/2017

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh yêu cầu ngành Nội chính rà soát có hiệu quả các cuộc thanh tra kinh tế- xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng kinh tế, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định…

Thường trực Ban Bí thư Đinh thế Huynh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ngày 23/2, tại Hà Nội Ban Nội chính Trung ương đã họp Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính năm 2016. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng.
Trình bày báo cáo tóm tắt công tác ngành nội chính Đảng năm 2016, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong năm Ban đã tổ chức 37 cuộc làm việc với bộ, ngành và 113 cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố để khảo sát, nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về nội chính và phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt, Ban Nội chính đã tham mưu giúp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh; qua đó đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách pháp luật; kiến nghị đôn đốc xử lý 87 vụ việc, vụ án.
Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chủ trì phối hợp thực hiện 508 cuộc kiểm tra, giám sát, đôn đốc với 926 cấp ủy, tổ chức Đảng; tham mưu giúp cấp ủy tiến hành kiểm tra giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế…
Đã có 7.426 kết luận thanh tra, kiểm toán được rà soát; đã kiến nghị chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (BCĐ), Ban đã thực hiện có hiệu quả việc tham mưu, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc các cấp độ. Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương tham mưu Thường trực BCĐ chỉ đạo đưa 6 vụ án lớn ra xét xử sơ thẩm, 7 vụ án lớn ra xét xử phúc thẩm… do đó, nhiều vụ án tham nhũng lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ về thời gian, nghiêm khắc về mức án, được dư luận nhân dân đồng tình.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng năm qua đã có bước chuyển quan trọng. Khối lượng công việc nhiều nhưng ngành đã tích cực, chủ động sáng tạo, hoàn thành các công việc được giao. Ngành nội chính đã chú trọng tham mưu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐ, Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về chủ trương định hướng xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng; phức tạp dư luận xã hội quan tâm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi chỉ đạo.
Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý giúp cho tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế phức tạp có những chuyển biến rõ rệt; tăng cường hiệu quả giám sát kiểm tra các tổ chức Đảng về nội chính và phòng chống tham nhũng; nâng cao chất lượng nghiên cứu, thẩm định văn bản về nội chính và phòng chống tham nhũng…
Thường trực Ban Bí thư cho rằng: Năm 2017, ngành Nội chính cần nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của cơ quan nội chính từ trung ương đến tỉnh, thành ủy cần phối hợp, chỉ đạo thực hiện tốt các các nhiệm vụ công tác nội chính và phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII; Nghị quyết TƯ 4 về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo chỉ đạo nâng cao hiệu quả phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra truy tố xét xử các vụ án tham nhũng; rà soát có hiệu quả các cuộc thanh tra kinh tế- xã hội và việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng kinh tế, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định…

Trong 10 năm đã có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Chuyển đổi vị trí công tác với 310.694 lượt cán bộ công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng. Các bộ ngành, địa phương đã thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Quan 10 năm đã có 4.859 trường hợp được xác minh, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực. 10 năm, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất đã thu hồi cho Nhà nước 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Những năm gần đây, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.

Mai Loan/daidoanket.vn