Tòa án tối cao Mỹ xét xử như thế nào?
Ngày đăng : 02:14, 23/02/2017
Tòa án tối cao Mỹ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hai loại vụ án rất ít khi xảy ra: (i) Vụ kiện giữa các tiểu bang với nhau; giữa tiểu bang với chính phủ liên bang; (ii) Vụ án liên quan đến những nhà ngoại giao nước ngoài như Đại sứ, Tổng lãnh sự.
Chức năng chính của Tòa án tối cao Mỹ là xét lại các bản án của Toà án cấp dưới bị kháng cáo lên toà. Và cũng chỉ xét lại những vụ án “quan trọng một cách đặc biệt và mang ý nghĩa chung liên quan tới các nguyên tắc bảo đảm lợi ích của đa số công chúng hay của Nhà nước”.
Các đơn kháng cáo gửi lên Tòa án tối cao sẽ được các thư ký pháp luật của các thẩm phán đọc( mỗi thẩm phán có bốn thư ký pháp luật, Chánh án có năm thư ký. Lưu ý: Thư ký pháp luật chứ không phải thư ký hành chính ). Các thư ký này làm việc theo nhóm, họ cùng đọc và lập biên bản : tóm tắt sự việc, phán quyết của Toà án cấp dưới, lập luận của các bên, đồng thời cũng nêu lên khuyến nghị của họ. Biên bản này được gửi cho tất cả các thẩm phán.
Các thẩm phán sẽ họp vào thứ sáu hàng tuần. Cuộc họp chỉ có các thẩm phán, không một ai được có mặt và cũng không có ghi âm. Tại cuộc họp này, các thẩm phán sẽ quyết định vụ án nào sẽ được xét lại theo nguyên tắc “bốn”, nghĩa là chỉ cần bốn trong số chín thẩm phán tán thành thì vụ án sẽ được xét xử lại .
Phiên toà xét xử sẽ diễn ra tại phòng xét xử lớn có khoảng 300 chỗ ngồi. Mỗi bên trong vụ án được tranh tụng trong 30′ , tuy nhiên, toà có thể cho thêm thời gian. Tòa án tối cao Mỹ thường xử bốn vụ trong một ngày (10 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều).
Số thẩm phán tối thiểu để quyết định về vụ án là sáu người (các phiên xử của Tòa án tối cao Mỹ nhiều khi không đủ 9 thẩm phán), và được biểu quyết theo đa số (tức 4/6 là được), nếu số phiếu ngang nhau thì bản án của cấp dưới được giữ nguyên.
Ngô Cường